Giáo dục và sự “bất đắc dĩ khách quan”

Có phải chuyện đời sống nhà giáo là chuyện buồn nhất trong những câu chuyện buồn về nghề dạy học?

Xuân sang, người người háo hức, nhà nhà háo hức đón chào năm mới nhưng có một “nhà” có vẻ như hơi bị lạc lõng so với khung cảnh rộn ràng xung quanh, đó là “nhà giáo”.

Mọi năm viết bài đón xuân tự thấy phải nhẹ nhàng, tươi sáng.

Năm nay trước thềm năm mới, đọc được ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những tồn tại, bất cập của công tác phòng, chống tham nhũng nên không còn muốn “theo đường cũ”.

Cảm nhận của người viết là từ trước đến nay, chưa bao giờ và chưa có ai nói về phòng, chống tham nhũng cụ thể, mạnh mẽ, không né tránh như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biết là bốn tồn tại mà Tổng Bí thư đã nêu: [1]

“1. Mặc dù các hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã bị xử lý nghiêm, nhưng vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, tinh vi hơn, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn (như báo cáo các đồng chí đã nêu rất đầy đủ). Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực…

2. Các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Chỉ cần một vụ tham nhũng đã có thể làm tha hoá cả một hệ thống với số lượng lớn cán bộ, thậm chí có thể làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng trầm trọng.

3. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là vấn đề nhức nhối, gây dư luận xấu khi mà vẫn có một số cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, ngành tư pháp… (kể cả cán bộ cấp cao) bị xử lý. Chính vì vậy mà Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì xây dựng chuyên đề “Quy định về giám sát quyền lực trong các cơ quan nội chính”.

4. Về tiến độ, chất lượng xử lý một số vụ án, vụ việc, việc giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo vẫn còn chậm tiến độ; hiệu quả chưa cao…”

Vấn đề đầu tiên mà Tổng Bí thư đề cập là về “quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên” và đó cũng là điều tâm đắc với những người tiếp cận phát biểu của ông bởi Tổng Bí thư đã nói thẳng một sự thật mà lâu nay không ít người ngại đề cập, đó là:

“Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của chúng ta vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của chúng ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực…”.

Công tác cán bộ, nói rộng ra là vấn đề đào tạo đội ngũ, đào tạo con người.

Đào tạo nhân sự cho hệ thống chính trị nói chung và cơ quan nhà nước nói riêng có thể chia làm ba giai đoạn: “Học chữ – Học nghề – Học làm cán bộ”.

Học chữ là giai đoạn từ mầm non đến hết trung học phổ thông, học nghề từ sau phân luồng trung học đến khi học xong trình độ tiến sĩ.


(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Riêng chuyện học làm cán bộ thông thường chỉ được thực hiện sau giai đoạn học nghề; tuy nhiên có một sự thật là không ít trường hợp người ta làm cán bộ trước rồi … học văn hóa sau, chẳng hạn một bài đăng trên Phapluatplus.vn ngày 29/12/2021 viết:

“Theo các đại biểu Quốc hội, hàng loạt cán bộ sử dụng hay mượn bằng tốt nghiệp THPT để thăng quan tiến chức là băng hoại về đạo đức, pháp luật, cần xử lý nghiêm để răn đe”. [2]

Cuối cùng thì cả hai phân nhánh “học làm cán bộ” này đều phải ngồi chung với nhau để tiếp tục học, để được cấp các loại bằng cấp chứng chỉ lý luận chính trị, quản lý nhà nước,… Thiếu các loại văn bằng này, khó có thể được quy hoạch dù chỉ là cán bộ lãnh đạo cấp xã, phường.

Nói đến “học chữ” theo truyền thống, trước hết phải nói đến nhà giáo, theo tư duy khoa học cũng phải nói đến vai trò của nhà giáo và cuối cùng, đòi hỏi xây dựng một đất nước hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu cũng phải nói đến vai trò của nhà giáo.

Chuyện quá khứ, chuyện những câu vè “nhất Y, nhì Dược…” hay “Sư phạm bỏ qua, Nông lâm vứt xó…” không nhắc lại thì sự nhức nhối “một thời để nhớ” ấy vẫn là chuyện thời sự được nói đến bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi nào vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Gần Tết Nhâm Dần (2022), báo chí viết:

“Thưởng tết giáo viên: Cố gắng để có nồi thịt kho, bộ đồ mới”. [3]

“Thưởng Tết cho nhà giáo: Niềm vui và những ngậm ngùi”. [4]

“Những giáo viên không trông chờ thưởng Tết”. [5]

“Giáo viên ở TP.HCM: Nghĩ tới thưởng Tết ai cũng buồn, nhiều nơi còn không có”. [6]

“Thưởng Tết – món quà “xa xỉ” với giáo viên, “năm Covid” lại càng xa vời”. [7]

Chọn năm bài viết đã là quá đủ để thấy tình hình tết của nhà giáo bởi không khó tìm tiếp hàng loạt bài khác trên các trang báo, tạp chí chính thống.

Tình trạng chung đều là nhà giáo “ngậm ngùi” mỗi khi năm hết, tết đến!

Gần chục năm trước, bài báo “Một biểu hiện vô cảm” đăng trên báo Hanoimoi.com.vn – Cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội – có đoạn:

“Việc để cả xã hội phải nghe quen về nỗi niềm Tết nghèo của nhà giáo trong bối cảnh như vậy, thì phải chăng là chúng ta đang rất vô cảm với những người giữ vai trò quan trọng trong việc định hình các thế hệ tương lai của đất nước?”. [8]

Sao chép từ màn hình ngày 25/01/2022 tại http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Luan-ban-Hanh-dong/657731/mot-bieu-hien-vo-cam

Cụm từ “chúng ta” trong đoạn văn nêu trên là một cách dùng “uyển ngữ” người viết bài khéo dùng bởi không phải “tất cả chúng ta” đều “vô cảm” mà chỉ là “một bộ phận” chúng ta.

Vậy thì “một bộ phận” chúng ta ấy là bộ phận nào?

Vậy thì nhà giáo ở đâu trong lịch sử phát triển của ngành giáo dục và đào tạo nước nhà?

Vậy thì nghề dạy học sẽ ra sao trong vòng 20 năm nữa, đến năm 2045 – kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

Ba câu hỏi “Vậy thì …” nêu trên đưa đến câu hỏi thứ tư:

Vậy thì với thực trạng hiện nay, nhà giáo có vai trò gì trong việc “định hình các thế hệ tương lai của đất nước”?

Với bốn “vậy thì” đặt ra vào ngày đầu xuân năm 2022 này dẫn tới bốn câu hỏi:

Có phải đây là câu chuyện không thể nói một lần mãi mãi không cần nhắc lại kể cả khi đã có Nghị quyết 29-NQ/TW?

Có phải không có bất kỳ nghề nào ngoài nghề dạy học giữa những lời ca ngợi và thực trạng lại cho thấy sự tương phản đến khó tin, giống như mọi người đều nhìn thấy bầu không khí ô nhiễm bao phủ toàn bộ một thành phố hào nhoáng nhưng lại bất lực đứng nhìn?

Có phải chuyện đời sống nhà giáo là chuyện buồn nhất trong những câu chuyện buồn về nghề dạy học?

Và câu hỏi cuối cùng, có phải đây chỉ là “sự bất đắc dĩ khách quan” mà giáo dục nước nhà phải chấp nhận trong một giai đoạn lịch sử chứ không phải do khiếm khuyết chủ quan?

Và khi kinh tế tạo dựng được một vị thế nhất định thì sẽ đến lúc nghĩ lại, đến lúc trả giáo dục về đúng vị trí vốn có của nó.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/ket-luan-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-thu-21-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-10222012020244664.htm

[2] https://www.phapluatplus.vn/doi-song/can-bo-dung-bang-gia-de-treo-cao-ky-luat-xu-ly-nhu-tang-qua-se-khien-nguoi-dan-khong-dong-tinh-d173725.html

[3]https://thanhnien.vn/thuong-tet-giao-vien-co-gang-de-co-noi-thit-kho-bo-do-moi-post1422682.html

[4] https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/thuong-tet-cho-nha-giao-niem-vui-va-nhung-ngam-ngui-kfmmDX1ng.html

[5] https://vnexpress.net/nhung-giao-vien-khong-trong-cho-thuong-tet-4414091.html

[6] https://vtc.vn/giao-vien-o-tp-hcm-nghi-toi-thuong-tet-ai-cung-buon-nhieu-noi-con-khong-co-ar657525.html

[7] https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/thuong-tet-mon-qua-xa-xi-voi-giao-vien-nam-covid-lai-cang-xa-voi-d175035.html

[8] http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Luan-ban-Hanh-dong/657731/mot-bieu-hien-vo-cam

Xuân Dương
Đang làm bài thi