MẸO VÀ KINH NGHIỆM CHỌN ĐÁP ÁN TRẮC NGHIỆM MÔN TIẾNG ANH

Trong hầu hết các bài thi Tiếng Anh, phần trắc nghiệm luôn chiếm ưu thế về điểm số hơn phần tự luận. Song, các câu hỏi trắc nghiệm lại vô cùng đa dạng, tích hợp nhiều kiến thức khác nhau nhằm kiểm tra trình độ hiểu biết cũng như kỹ năng đọc-hiểu của học sinh một cách tổng quát.

Để có thể chọn trúng – chọn đúng, thí sinh cần nắm rõ được bí kíp và kinh nghiệm chọn đáp án trắc nghiệm Tiếng Anh theo từng dạng bài, những bí kíp này có thể áp dụng trong kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi THPT Quốc gia. Hãy cùng tham khảo những mẹo hay dưới đây của Onluyen nhé!Mẹo và kinh nghiệm theo dạng bài

1. Ngữ âm

Với phần ngữ âm được chia thành 2 loại, phát âm và trọng âm. Với phần phát âm có thể là các dạng bài hỏi về cách phát âm nguyên âm, phụ âm trong từ hoặc cách phát âm “s”, “ed”. 

Mẹo nhớ cách phát âm “s” 

  •  Nếu từ kết thúc bằng- s, -ss,- ch,- sh,- x,-z (-ze),- ge,- ce thì ta phát âm là /ɪz/

Mẹo: “Sẵn-sàng-chung-shức-xin-z-ô-góp-cơm”vd: changes/ ɪz/; practices/ ɪz/  

  • Nếu từ kết thúc bằng :-/th/,-k,-p- t,- f thì phát âm là /s/: cooks /s/; stops: / s/

Mẹo: ‘Thời phong kiến phương tây” 

  • Những từ còn lại phát âm là /z/: plays /z/, stands /z/…

Mẹo nhớ cách phát âm “ed” 

  • Phát âm ed là /ɪd/ khi từ tận cùng bằng các phụ âm /d/, /t/

Mẹo: “Tớ đi đây”: khi nào có /t/ và /d/ thì đọc thành “đi” tức /ɪd/

  • Phát âm ed là /t/ khi từ tận cùng bằng các phụ âm /p/, /k/, /f/, /s/, /ʃ/, /tʃ/, thường có kết thúc cuối là p, k, f, s, sh, ch

Mẹo: “Chú Sha không phải fan Sam Sam”

  • Phát âm ed là /d/ khi từ tận cùng bằng các phụ âm /b/, /g/, /v/, /z/, /ʒ/, /dʒ/, /ð/, /m/, /n/, /ŋ/, /l/, /r/ và các nguyên âm

Mẹo: Loại trừ nhé! 

Kinh nghiệm chọn trọng âm 

Với phần trọng âm, các em ôn tập lại kiến thức cơ bản phần trọng âm. Thông thường đề thi sẽ bao gồm 2 câu, 1 câu dạng 2 âm tiết và 1 câu dạng 3 – 4 âm tiết. 

Với dạng 2 âm tiết, các em lưu ý kiến thức động từ có 2 âm tiết, trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai; danh từ và tính từ có 2 âm tiết có trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất, phần này cực kỳ hữu ích. Các em cũng nên lưu ý một số từ đặc biệt ở phần này nữa nhé, vì đề thi có thể ra vào từ đặc biệt, ví dụ ‘happen (là động từ nhưng trọng âm rơi vào âm đầu tiên).

2. Tìm lỗi sai

Đề thi với 3 câu tìm lỗi sai, thông thường đề thi sẽ kiểm tra 3 đơn vị kiến thức khác nhau. Những dạng kiến thức thường được kiểm tra nhất ở phần tìm lỗi sai là: sự hòa hợp chủ vị, cấu trúc song song, từ loại, thì của động từ, mệnh đề quan hệ. 

Vậy khi gặp bài tìm lỗi sai thì các em làm gì? 

  • Nhìn vào phần gạch chân là động từ, xem có chia sai thì không? Có hòa hợp chủ – vị hay không?
  • Nhìn vào câu xem có các liên từ thuộc cụm FANBOYS (for, and, nor, but, or, yet, so) không? Nếu có thì xem các phần gạch chân, các phần nối bởi các liên từ đã thống nhất hình thức chưa? (VD cùng thêm đuôi -ing, hoặc cùng thì, hoặc cùng là danh từ…) 

Một lưu ý nữa là, nếu em chắc chắn câu tìm lỗi sai thứ nhất nằm ở kiến thức A (ví dụ: mệnh đề quan hệ), thì hai câu tìm lỗi sai gần như sẽ không rơi vào phần mệnh đề quan hệ nữa. Lý do là ma trận đề thi thường sẽ không đưa 2 câu cùng một nội dung vào một dạng bài.

3. Hoàn thành câu

Dạng hoàn thành câu thường được chia thành 2 phần: kiểm tra kiến thức ngữ pháp và kiến thức từ vựng (14 câu, theo đề thi THPTQG 2019). Cũng như lưu ý ở phần trên, mỗi câu thường chỉ kiểm tra một chủ điểm kiến thức. Thông thường các chủ điểm ngữ pháp và dạng bài xuất hiện như sau: 

  • Kiến thức thì
  • Mệnh đề quan hệ/ liên từ/ từ loại/ danh động từ và động từ nguyên thể/ mạo từ…
  • Phrasal verb
  • Collocations/ idioms 

Câu khó thường rơi vào phần từ vựng: Phrasal verb, Collocations/ idioms nên bạn nào xác định dưới 8 điểm thì có thể làm nhanh câu này để dành thời gian cho câu khác, bởi kiến thức phần này rộng và bao la như biển cả.

4. Chức năng giao tiếp

Với dạng này thì các em chỉ cần đọc thật kỹ kiến thức là được, bởi tất cả những tình huống giao tiếp đã có sẵn trong sách. Khi làm bài dạng này, các em lưu ý: 

  • Chọn câu trả lời trong tình huống đáp trả lịch sự nhất: có thể một số phương án khác các em phân vân, nhưng nên nhớ, chúng ta phải chọn đáp án đúng nhất nên câu nào thể hiện sự lịch sự (tất nhiên vẫn đúng ngữ cảnh) thường sẽ là đáp án đúng. 
  • Với những câu có dấu chấm than thường là những câu cảm thán, có thể là idioms hoặc các cấu trúc thường dùng của người bản xứ, và nghĩa của câu đó nhiều lúc không thể dịch word-by-word được. Ví dụ: Beats me! mang nghĩa “Tôi chịu/ Tôi không biết đâu!” chứ không phải là “Đánh tôi” đâu nhé. Thế nên các em phải đặc biệt lưu ý khi dịch nhé. Những câu như vậy trong phần lý thuyết đề cập khá nhiều, các em chỉ cần đọc kỹ là sẽ làm tốt thôi.

5. Từ đồng nghĩa – trái nghĩa

Một quy luật bất thành văn khi biên soạn câu hỏi dạng này là, từ được hỏi ở câu gốc thường sẽ khó hơn các từ ở 4 phương án và ngữ cảnh của câu văn sẽ giúp các em đoán được sơ bộ nghĩa của từ gốc. Do đó nếu các em không biết nghĩa của từ gạch chân, hãy đọc thật kỹ ngữ cảnh và đoán nghĩa, sau đó thay từng từ ở phương án lần lượt vào từ gạch chân, đọc lên xem câu có mượt về nghĩa không nhé. 

Một lưu ý cực kỳ quan trọng để tránh điểm oan là khi làm bài, hãy nhớ mình đã làm bài từ đồng nghĩa rồi thì phải có dạng từ trái nghĩa, nếu không theo quán tính lại tìm từ đồng nghĩa đấy! Hãy nhìn thật kỹ chữ CLOSEST và OPPOSITE! Bài này mà mất điểm như vậy thì rất đáng tiếc. 

Người ra đề cũng đã tính tới trường hợp này rồi, nên trong bài thường sẽ có 2 cặp từ: 1 từ đồng nghĩa với từ gạch chân, 1 từ trái nghĩa với từ gạch chân và 2 từ gây nhiễu theo hai xu hướng: tích cực và tiêu cực. Mẹo này cực kỳ hữu ích nhé, nắm bắt được mẹo và loại trừ siêu dễ luôn. 

Cùng xem ví dụ trích từ đề thi THPTQG năm 2019 (câu 3, mã đề 417):

Mark the letter A, B, C or D on your answer sheet to indicate the word(s) CLOSEST in meaning to the underlined word(s) in each of the following questions.

  At first, John said he hadn’t broken the vase, but later he accepted it.

A. discussed                            B. denied                              C. admitted                           D. protected

Cách 1: Tìm cặp từ trái nghĩa nhau trong 4 phương án: đó là đáp án B và C denied và admitted. Khả năng đáp án sẽ rơi vào 2 phương án này. Vậy là chúng ta đã loại trừ được 50-50 rồi đó, phần còn lại các em phải tự phân tích dựa vào câu và kiến thức của mình nhé. 

Cách 2: Khẳng định lại 2 cặp xu hướng tích cực/tiêu cực (mục đích để nắm được cách ra đề, xu hướng của câu văn). 

  • Tích cực: phương án A và D
  • Tiêu cực: phương án B và C

Xem câu văn là mang nghĩa tiêu cực hay tích cực: câu văn nói về việc “vỡ bình hoa” là một dạng tiêu cực, bài này dạng CLOSEST nên các phương án thường sẽ theo màu sắc tiêu cực như câu văn → Đáp án đúng có khả năng rơi vào B và C. 

Cùng xem ví dụ trích từ đề thi vào 10 của Hà Nội năm 2021:

Mark the letter A, B, C or D on your answer sheet to indicate the word(s) CLOSEST in meaning to the underlined word(s) in each of the following questions.

I am very much interested in learning more about ecotourism and its benefits

  1. advantages B. problems C. disadvantages D. dangers

Cách 1: Tìm cặp từ trái nghĩa nhau trong 4 phương án: đó là đáp án A và C lần lượt là advantages và disadvantages. Khả năng đáp án sẽ rơi vào 2 phương án này. Vậy là chúng ta đã loại trừ được 50-50 rồi đó, phần còn lại các bạn phải tự phân tích dựa vào câu và kiến thức của mình nhé. 

Cách 2: Khẳng định lại 2 cặp xu hướng tích cực/tiêu cực (mục đích để nắm được cách ra đề, xu hướng của câu văn). 

  • Tích cực: phương án A
  • Tiêu cực: phương án B, C và D

Xem câu văn là mang nghĩa tiêu cực hay tích cực: câu văn nói về “hứng thú tìm hiểu thêm về du lịch sinh thái” là một dạng tích cực, bài này dạng CLOSEST nên các phương án thường sẽ theo màu sắc tích cực như câu văn → Đáp án đúng có khả năng rơi vào A.

6. Tìm câu đồng nghĩa, nối câu

Với dạng này, kiến thức tổng hợp cực kỳ đa dạng, nhưng thường sẽ rơi vào các cấu trúc: đảo ngữ, mệnh đề quan hệ, câu điều kiện, câu tường thuật. Các em ôn thật kỹ phần này nhé!

7. Hoàn thành đoạn văn

Bài hoàn thành đoạn văn sẽ gồm 5 chỗ trống, kiểm tra kiến thức từ vựng, ngữ pháp (thường là thì, mệnh đề quan hệ, liên từ, từ loại), giới từ (thường là câu khó). Phần này không có mẹo cụ thể, các em hãy đọc lướt bài để nắm được ý chính của bài trước, sau đó bắt tay vào từng câu.

8. Đọc hiểu

Dạng đọc hiểu theo đề thi năm 2019 chia thành 2 loại: đọc hiểu 5 câu và đọc hiểu 8 câu (nhiều câu khó hơn). 

Các câu hỏi đọc hiểu thường có các dạng sau: 

– Câu hỏi ý chính/ tiêu đề của đoạn văn: câu này các em nên làm sau cùng, vì khi đó các em đã nắm được sơ bộ nội dung bài khi làm các câu khác, từ đó đưa ra kết luận chuẩn hơn. 

– Câu hỏi từ vựng: các em sử dụng mẹo tương tự mẹo ở phần “Từ đồng nghĩa – từ trái nghĩa” nhé.  

– Câu hỏi đại từ: để biết từ “it”, “they” thay thế cho từ nào, các em hãy đọc lại câu chứa từ đó và câu trước câu đấy! Thường đại từ đó sẽ là danh từ nằm trong 2 câu trên. 

– Câu hỏi TRUE/ NOT TRUE: thông tin chắc chắn ở trong bài, có sẵn, thường chỉ thay đổi cách viết, diễn đạt khác. VD: đáp án nói về việc dân số sẽ già hóa trong tương lai, và thông tin trong đoạn văn là tuổi thọ tăng cao do người dân ăn nhiều rau củ quả (trực tiếp) 

– Câu hỏi ngụ ý (inferred/ suggesting): các phương án phải suy luận từ thông tin trong bài, chứ không có sẵn như ở dạng câu hỏi TRUE/ NOT TRUE, thường có các từ “may”, “might”. Tóm lại, phải là ý suy luận ra, chứ không có sẵn trong bài (phải lấy thông tin trong bài, suy luận theo logic thông thường). VD: đáp án nói về việc dân số sẽ già hóa trong tương lai, và thông tin trong đoạn văn là ăn nhiều rau củ quả sẽ giúp sống khỏe và ít bệnh tật hơn (suy luận).

Trên đây là một số mẹo và kinh nghiệm chọn đáp án trắc nghiệm tiếng Anh có thể áp dụng ôn thi vào lớp 10 và ôn thi THPT Quốc gia. Các em lưu ý rằng, mẹo làm bài thi sẽ không chính xác 100% đáp án đúng, việc sử dụng mẹo sẽ giúp các em tăng tốc thời gian làm bài, chắc chắn về phương án của mình hơn và tăng thêm cơ hội khi “bí” trong phòng thi. 

Ngoài ra, các em học sinh có thể thực hành, trau dồi kỹ năng làm bài bằng việc chăm chỉ luyện đề trong Kho tài liệu được Onluyen sưu tầm và đăng tải. Hay để hiệu quả hơn, các em có thể tham khảo khóa học trên nền tảng Onluyen.vn. Gia sư Onluyen.vn dành cho học sinh từ lớp 1 – 12 hướng đến cung cấp giải pháp giáo dục toàn diện. Các em có thể xem lịch học, bài tập về nhà, xem lại bài giảng từng buổi, tổng ôn tập lại kiến thức trên nền tảng Onluyen.vn một cách dễ dàng bằng nhiều thiết bị khác nhau (máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng…)

Chúc các em thành công!

Đang làm bài thi