Thực tế ảo góp phần định hình tương lai giáo dục

Thực tế ảo (VR) tăng cường tính trải nghiệm trong học tập, nâng cao khả năng tiếp thu và định hình tương lai giáo dục toàn cầu.

Nội dung được chia sẻ trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Davos 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Thụy Sĩ. Các diễn giả cho rằng, sự phát triển của công nghệ đang tạo ra những thay đổi khác biệt trong giáo dục, sẽ đến nhanh hơn trong thập kỷ tới.

Những thành tựu công nghệ giáo dục (edtech) đã được chứng minh trong đại dịch Covid-19. Để đảm bảo việc học diễn ra liên tục, UNESCO đã hỗ trợ các quốc gia trên thế giới các công cụ, chương trình và nguồn lực kỹ thuật số đa dạng trong giai đoạn này

Tuy vậy, các giải pháp đã có hầu như chỉ tập trung vào việc truyền tải kiến thức chứ không hỗ trợ để người học có được các trải nghiệm thực tế và trực tiếp – những yếu tố rất cần thiết để giúp người học nắm bắt được các khái niệm. “Chúng ta cần những tiến bộ công nghệ đột phá hơn nữa để phá vỡ cấu trúc cũ của nền giáo dục. Việc ứng dụng những tiến bộ này vào hệ thống giáo dục ngày càng trở nên cấp thiết.”, các chuyên gia nhận định.

Công nghệ thực tế ảo tăng tính trải nghiệm, tương tác trong học tập. Ảnh: WEF

Công nghệ thực tế ảo tăng tính trải nghiệm, tương tác trong học tập. Ảnh: WEF

Sự đột phá về công nghệ cũng giúp tăng khả năng tiếp cận, nâng cao chất lượng và cải thiện khả năng chi trả giáo dục trên toàn cầu. Ngoài ra, các mục tiêu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 và vấn đề môi trường sẽ thúc đẩy toàn thế giới số hóa các tài nguyên giáo dục, giảm sự phụ thuộc vào các công cụ học tập đe dọa môi trường như sách giáo khoa, vở và bút chì.

Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) giải quyết nhu cầu này, được đánh giá sẽ thay đổi cuộc chơi trong giáo dục. Ứng dụng VR đã được đưa ra trong các kế hoạch chuyển đổi số ở nhiều quốc gia, ngay cả ở các nền kinh tế mới nổi. Mới đây, UAE đã “mô phỏng tương lai” thông qua “Bảo tàng Tương lai” vừa được khánh thành ở Dubai. Màn trình diễn hoành tráng về “Ngày mai của hôm nay” tại bảo tàng được thực hiện thông qua thực tế ảo tăng cường, thể hiện một cách trực quan các công nghệ định hình tương lai và cách học trong kỷ nguyên mới.

Cùng với metaverse, sinh viên và giáo viên có thể giao tiếp và tương tác trực tiếp trong thực tế ảo, vượt qua các giới hạn về không gian và thời gian. Sử dụng VR như một công cụ trong lớp học, giáo viên có thể tạo ra một môi trường học tập hợp tác tốt hơn với người học. Tích hợp vào giảng dạy truyền thống, VR có thể mang đến trải nghiệm độc đáo phù hợp với khả năng, tốc độ tiếp thu, phương pháp học của từng học sinh, tạo động lực và hỗ trợ các em tiến bộ.

Tuy nhiên, VR cũng có những hạn chế. Nếu không được theo dõi và hướng dẫn đúng cách, công nghệ này có thể hạn chế sự tương tác trong đời thực của con người, gây ra sự cô lập ở thế hệ trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi có sự hướng dẫn và giám sát đúng cách, lợi ích của VR lớn hơn rủi ro.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, VR hay các công cụ học tập trải nghiệm khác đều là các công nghệ giáo dục mang tính bước ngoặt, giúp các nhà giáo dục, cơ quan quản lý và các bên liên quan khác có cách tiếp cận chủ động để đầu tư vào thế hệ tương lai và thúc đẩy làn sóng thay đổi.

Nguyên Chương (theo World Economic Forum)

Đang làm bài thi