Lào Cai phát triển năng lực số cho đội ngũ dạy và học trong giáo dục nghề nghiệp

Đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người học giáo dục nghề nghiệp.

Nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Kế hoạch, mục tiêu triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai trở thành trung tâm đào tạo về nhân lực số, nhân lực đa ngành có kỹ năng số, sẵn sàng làm việc trong môi trường số, đáp ứng yêu cầu về nhân lực số cho Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai và đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn Trường Cao đẳng chất lượng cao.

Hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: laocai.gov.vn).

Đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người học giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, từ 45%-50% giảng viên, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng về năng lực số, kỹ năng và phương pháp sư phạm số, năng lực phát triển học liệu số phục vụ cho đào tạo. 90% cán bộ quản lý, nhà giáo; 60% học sinh, sinh viên trở lên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn thông tin liên quan đến chuyển đổi số. 100% học sinh sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp đạt chuẩn công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin – Truyền thông.

Trên 50% người học trở lên tiếp cận với các dịch vụ của trường thông qua môi trường số và thiết bị di động thông minh (tuyển sinh trực tuyến, đào tạo trực tuyến; thanh toán học phí điện tử, khai thác tài liệu trên thư viện số, tìm kiếm việc làm trên môi trường mạng…).

Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo: 70% chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo cao đẳng, trung cấp được tích hợp kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ số (IoT, AI, phân tích dữ liệu lớn), phần mềm chuyên ngành năng lực số. Phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới. Xây dựng ít nhất 15% bài giảng điện tử các ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp; 20% đối với các ngành nghề đào tạo trọng điểm cấp độ Quốc gia, Khu vực, Quốc tế.

Về hạ tầng, nền tảng số, học liệu số: Hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật với mạng internet, mạng nội bộ và máy tính đầy đủ, kết nối thông suốt trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phấn đấu xây dựng 7 phòng học ảo sử dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm ảo, bài thực hành mô phỏng cho 7 nghề trọng điểm cấp độ Quốc tế, Khu vực, Quốc gia theo từng cấp độ. 100% chương trình đào tạo, giáo trình các nghề cao đẳng, trung cấp được số hoá theo quy chuẩn (khoảng 400.000 trang) và khai thác trên thư viện điện tử của trường, tích hợp, kết nối, chia sẻ với Thư viện điện tử của tỉnh. Hình thành được kho học liệu số gồm: Bài giảng điện tử, bài thực hành mô phỏng, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác.

Quản lý số và quản trị số: 100% các cơ sở giáo dục công lập xử lý hồ sơ công việc quản lý, điều hành trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung bảo mật theo quy định của nhà nước). 100% báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện trên môi trường số và kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Kế hoạch cũng đưa ra các mục tiêu đến năm 2030 như: Phấn đấu Trường Cao đẳng Lào Cai là “Trường học số”, có hệ thống quản trị nhà trường được chuyển đổi theo mô hình Trường học số và chính quyền điện tử. 100% cán bộ quản lý, nhà giáo được đào tạo bổ sung, nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số. 100% chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo cao đẳng, trung cấp được tích hợp kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ số. 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung bảo mật theo các quy định của nhà nước). 100% người học tiếp cận với các dịch vụ của trường thông qua môi trường số và thiết bị di động thông minh.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, tỉnh Lào Cai cũng đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Cụ thể như: Tuyên truyền, phổ biến thông tin về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước như: dịch vụ công trực tuyến, các phần mềm quản lý văn bản, tổng hợp thống kê báo cáo,…

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Triển khai các cơ chế, chính sách liên quan và chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Ngoài ra, bảo đảm an ninh, an toàn mạng trong giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp từ ngân sách nhà nước; huy động nguồn lực đầu tư, khuyến khích hợp tác theo đối tác công tư từ các tổ chức, doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Ngân Chi
Đang làm bài thi