Con nhà người ta

Áp lực bị so sánh là nỗi sợ lớn nhất của nhiều đứa trẻ, vào mùa thi.

Hà Nội và TP HCM – hai thành phố diễn ra cuộc đua vào lớp 10 công lập căng thẳng nhất cả nước – vừa hoàn tất công bố điểm thi và điểm chuẩn.

Điểm thi đã có, chân dung các thủ khoa, những cô – cậu bé đỗ đạt cao đã được truyền thông và mạng xã hội đưa tin.

Trong bữa cơm tối qua, con tôi kể, group nhóm bạn của cháu trên Zalo đang diễn ra cuộc “tố khổ” dài “hàng chục cái vuốt tay” về một loại “món ăn” xuất hiện trong bữa cơm nhiều gia đình gần đây – món “con nhà người ta”. Cháu kể lại một cách sinh động muôn vàn trạng thái so sánh của cha mẹ, từ ngụ ý nhẹ nhàng đến chì chiết, tựu trung lại đều xuất phát từ mong muốn con mình được như con người ta.

Con tôi kết luận, thứ khiến cháu và nhóm bạn sợ nhất là so sánh về điểm số.

Hóa ra, ám ảnh điểm số chưa từng biến mất kể từ thế hệ của tôi. Thời chúng tôi, “ác mộng” thường đến sau những buổi họp phụ huynh – nơi giáo viên chủ nhiệm công khai thành tích và điểm số của con ngoan trò giỏi trong lớp, đồng thời bêu tên những học trò cá biệt.

Từ năm 2014, với Thông tư 30, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường học không công khai điểm số học sinh dưới bất kỳ hình thức nào trong các buổi họp phụ huynh. Mọi trao đổi và góp ý được tiến hành qua các cuộc gặp gỡ 1-1 giữa giáo viên và cha mẹ. Đây cũng là cách mà các trường học trên thế giới áp dụng từ lâu nhằm đảm bảo bí mật thông tin cá nhân, tôn trọng quyền riêng tư.

Trong những xã hội trọng thành tích như Việt Nam, cách làm này đồng thời góp phần giảm áp lực thành tích, hạn chế tâm lý so sánh, gây tổn thương đến những đứa trẻ chưa bằng bạn bằng bè.

Nhưng sự phát triển của mạng xã hội, với khả năng lan truyền thông tin không giới hạn, gần như đã phá hỏng nỗ lực này của Bộ Giáo dục. Những đứa trẻ giờ đây không chỉ bị so sánh với vài bạn cùng lớp mà có thể bị so với bất cứ “tấm gương” nào cùng lứa, ở bất cứ đâu trên khắp đất nước.

Mạng xã hội gần như chỉ trưng ra những trailer đẹp đẽ. Phụ huynh chọn phần lung linh nhất của con để khoe. Nhiều bậc cha mẹ không nhận ra (hoặc lờ đi điều đó) để bắt con mình trở thành nhân vật trong trailer của người khác.

Khó có thể chỉ trích những phụ huynh khoe con. Họ có quyền chính đáng được tự hào. Cũng khó chê cười những cha mẹ kỳ vọng con cái mình được như con nhà người khác. Tôi tin đấy đều là những biểu hiện hồn nhiên của tình yêu thương con cái.

Nhưng những chuyện xảy ra gần đây khiến tôi tự nhủ, yêu thương cũng cần đến lý tính và trách nhiệm, trách nhiệm với con mình và con người khác. Thông tin điểm số mỗi người trưng ra, dù muốn hay không, sẽ tạo phản ứng liên hệ, so sánh, gây tâm lý lo sợ, tổn thương đến những đứa trẻ liên quan.

Một nam sinh chia sẻ với tôi chuyện cũ, rằng thời điểm thi trượt vào 10 là lúc cậu sụp đổ nhất. 9 năm là học sinh giỏi, cậu không chấp nhận nổi sự thật này. Thứ khiến cậu cảm thấy khủng khiếp nhất là “ánh mắt muộn phiền của bố và sự tức giận của mẹ”. Kết quả, cậu phải đi điều trị tâm lý 16 tháng.

Nghiên cứu mang tên “The culture of social comparison” (Văn hóa so sánh xã hội) đăng trên tạp chí PNAS năm 2018 cho biết, người được nuôi dạy trong nền văn hóa tập thể sẽ dễ hình thành sự so sánh xã hội (social comparison) hơn những người lớn lên trong nền văn hóa đề cao chủ nghĩa cá nhân. So sánh, đòi hỏi con mình bằng con người khác là tâm lý không chỉ của riêng người Việt.

Giới nghiên cứu tâm lý học dùng khái niệm peer pressure – áp lực đồng trang lứa – để chỉ hiện tượng một cá nhân chịu ảnh hưởng bởi những cá nhân khác trong cùng một nhóm xã hội; khiến họ phải thay đổi bản thân để phù hợp chuẩn mực của nhóm. Mặt tích cực của peer pressure là tạo nên động lực để một cá nhân phát triển bản thân. Nhưng các thống kê ban đầu ghi nhận nhiều hơn tác động tiêu cực của hội chứng này. Ví dụ, thống kê của Merriam-Webster – một nhà xuất bản lớn của Mỹ – cho thấy, 85% học sinh trung học nước này phải chịu đựng áp lực đồng trang lứa; 70% trẻ từng hút thuốc ở tuổi teen cho biết, chúng lần đầu hút thuốc là nhằm giải tỏa peer pressure.

Ở Việt Nam, mới đây, chiều 9/7, một phụ huynh chia sẻ thông tin trên trang cá nhân, nhờ cộng đồng giúp tìm con gái. Theo đó, cô bé sinh năm 2007 sốc vì kết quả thi không tốt nên đã bỏ ăn, viết thư chào tạm biệt gia đình và đi khỏi nhà. Rất may là một ngày sau, phụ huynh thông báo đã tìm thấy cháu.

Áp lực bị so sánh thực tế không chỉ kết thúc bằng chuyện bỏ nhà ra đi hay một khóa điều trị tâm lý. Việt Nam chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng những cái chết, trực tiếp hoặc gián tiếp, liên quan đến điểm số đã xảy ra gần đây.

Peer pressure có thể tác động tới với bất cứ lứa tuổi nào. Khoe con, so sánh con cái là một biểu hiện của áp lực này lên các bậc phụ huynh. Họ tham gia vào cuộc đua ngầm với nhau, nhưng không tự mình chạy, mà đẩy con ra làm vận động viên bất đắc dĩ.

Nhưng mỗi đứa trẻ là một bản thể riêng về khả năng, phẩm chất, ước muốn và nhu cầu… Chúng xứng đáng được trưởng thành theo cách riêng, không phải đóng vai người khác trong một bộ phim do bố mẹ mình đạo diễn.

Hoàng Anh Tú

Đang làm bài thi