Học phí và phụ phí

Đề xuất miễn học phí dẫn đến một mối lo tiềm tàng – tăng các khoản ‘phụ thu’ khác.

Cô Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 8 tại một trường nội thành Hà Nội, phải dành hơn 50% thời lượng buổi họp phụ huynh đầu năm cho vấn đề… điều hòa nhiệt độ.

Đây là một khoản “phụ thu” thuộc danh mục xã hội hóa, rất “nhạy cảm” nhưng phụ huynh đều đồng lòng nộp.

Vấn đề chỉ nảy sinh khi 50% phụ huynh đồng tình với phương án mua điều hòa cũ; nửa còn lại muốn mua mới, với mức giá chênh lệch nhau rõ rệt. Cuộc tranh cãi giúp phụ huynh quên đi vấn đề đau đầu khác: bàn ghế của lớp đã quá cũ, không còn phù hợp với tầm vóc cao lớn của học sinh cấp 2.

Nhưng thực ra, mua sắm bàn ghế nằm trong hạng mục “cơ sở vật chất” nhà trường, một trong những khoản bị cấm thu thêm. Vì vậy, mòn mỏi chờ kinh phí của cơ quan quản lý giáo dục để sửa chữa hoặc mua mới là chuyện khá phổ biến, không chỉ ở lớp cô Lan; mặc cho các em đang phải ngồi sai tư thế do bàn ghế thấp, ngày này sang ngày khác.

Trong khi đó, mức học phí chính thức 155.000 đồng một tháng chưa bao giờ là vấn đề phụ huynh thấy cần phải bàn bạc.

Vấn đề kinh phí dành cho giáo dục phức tạp hơn rất nhiều so với đề xuất miễn giảm học phí (cho học sinh THCS).

Một mặt, đề xuất này rất nhân văn và tiến bộ, đáp ứng chủ trương của Đảng cũng như xu hướng giáo dục chung trên thế giới. Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đề nghị miễn học phí bậc THCS (từ tháng 6/2017), nhưng Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không thông qua với lý do ngân sách nhà nước còn khó khăn.

Số tiền được miễn với từng học sinh không quá lớn, nhưng vẫn là một khoản hỗ trợ ý nghĩa cho các gia đình thu nhập thấp, ở nhiều nơi khắp đất nước.

Nhưng, quay lại lớp cô Lan cũng như các lớp thuộc khu vực có điều kiện kinh tế tốt, vấn đề không nằm ở học phí, mà nằm ở chỗ làm thế nào nhà trường và phụ huynh tìm ra cơ chế đóng góp phù hợp, dân chủ, minh bạch nhằm tăng thu nhập cho giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng cơ sở vật chất.

Quy định hiện hành coi học phí như một nguồn thu bổ sung (ngân sách nhà nước là chủ đạo). 40% học phí sẽ dành tạo nguồn cải cách tiền lương cho giáo viên (chỉ được dùng khi có chính sách mới về tiền lương, phụ cấp). Trường được dùng 60% còn lại cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, vào các hoạt động dạy học chuyên đề, phụ đạo, trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương…

Thực tế cho thấy 60% đó “thu không đủ chi” và nhà trường thường xuyên phải kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm.

Theo UNESCO, tại một số địa phương ở Việt Nam, do nguồn lực eo hẹp, khoảng 85-90% ngân sách thường xuyên được sử dụng vào việc chi lương và phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, chỉ một phần nhỏ còn lại được chi cho hoạt động dạy và học.

Tức là, việc nâng cao chất lượng dạy và học đang trông chờ hoàn toàn vào học phí.

Từ đó, đề xuất miễn giảm học phí dẫn đến một mối lo tiềm tàng: tăng các khoản “phụ thu” khác để đảm bảo vận hành nhà trường.

Việc này xảy ra phổ biến. Ngành giáo dục từng bỏ thu phí cơ sở vật chất trường học. Nhưng nhiều trường lại sinh ra các khoản thu khác, chẳng hạn quỹ phụ huynh để sửa chữa, mua sắm thiết bị.

Ngay từ đề xuất năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lường trước nỗi lo này và trấn an bằng việc khẳng định sẽ kiểm soát chặt các khoản thu trái quy định. Tuy vậy, đến nay, dù học phí vẫn thu đủ, các khoản “phụ thu” vẫn ngày một phình ra, khó kiểm soát.

Nỗi lo khác liên quan đến khoản 40% học phí dành cho việc cải thiện thu nhập của giáo viên, giờ chuyển sang phụ thuộc vào ngân sách. Nếu ngân sách chậm giải ngân như thường thấy, đời sống giáo viên cả nước sẽ ra sao?

Vì vậy, vấn đề không phải là miễn giảm học phí, mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải tính toán kỹ lưỡng bậc học đó cần bao nhiêu chi phí để bảo đảm mọi hoạt động, trong mối quan hệ với đặc thù giáo dục của từng địa phương (xét theo điều kiện kinh tế) cũng như xem xét thêm khả năng xã hội hóa.

Hướng giải quyết không có gì mới. Ngay từ Nghị quyết 90/CP-1997, một nghị quyết đi trước thời đại về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, Chính phủ đã chỉ rõ: Điều chỉnh mức học phí ở các trường phổ thông tại các địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn và vùng có thu nhập bình quân cao (trên mức thu nhập bình quân cả nước); thu học phí thấp hơn đối với vùng có thu nhập bình quân thấp (dưới mức thu nhập bình quân cả nước); miễn học phí đối với vùng sâu, vùng xa; nâng mức học phí ở các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.

Quan điểm trên nhấn mạnh việc điều chỉnh học phí từng vùng sao cho người dân có thể tham gia chia sẻ gánh nặng kinh phí giáo dục cùng Nhà nước dựa trên cơ sở đảm bảo công bằng xã hội (thay vì cào bằng miễn giảm toàn bộ).

Sự phân hóa nội bộ phụ huynh ở lớp cô Lan đã rất phức tạp, và tổng thể phụ huynh Việt Nam còn phức tạp hơn thế. Bởi vậy, cần một chính sách có độ phân hóa cao, cũng như trao quyền nhất định cho các địa phương để tìm hướng đi phù hợp (như thành phố Hải Phòng đã chủ động miễn giảm học phí cho khối THCS, hoặc TP HCM đã sớm đề xuất miễn giảm từ trước).

Nghị quyết cũng nhấn mạnh huy động thêm sự đóng góp của cha mẹ học sinh và của các tổ chức sản xuất, kinh doanh. Sự đóng góp ở đây đơn giản có thể hiểu là tài chính. Như lớp cô Lan, phụ huynh đã giải quyết vấn đề mua điều hòa bằng việc một nhóm nhỏ phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt hơn đã góp 40% số tiền, để phần đông còn lại góp 60%.

Điều quan trọng là cơ chế đóng góp cho vận hành giáo dục phải đảm bảo công bằng xã hội, minh bạch trong thu chi và dân chủ trong tham gia, chứ không phải là một chính sách cào bằng.

Lang Minh

Đang làm bài thi