Thiếu giáo viên trầm trọng khắp nơi

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phê duyệt 5 năm nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra ở các địa phương, chưa có giải pháp để bù lấp.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Ở lớp 3, đây cũng là lần đầu môn Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc. Ở lớp 10, môn Nghệ thuật (gồm 2 phân môn Âm nhạc, Mỹ thuật) được đưa vào là môn học tự chọn.

Nhiều môn của chương trình mới “trắng” giáo viên

Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên trầm trọng ở các môn trên đang diễn ra trên cả nước. Không chỉ ở vùng khó khăn, nông thôn, ngay cả các thành phố lớn cũng mỏi mắt kiếm giáo viên. Nhiều trường THPT trên cả nước “trắng” giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật, dẫn đến tình trạng nhiều trường chưa thể triển khai dạy các môn học này ngay trong năm học tới.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho hay năm học 2022-2023, tỉnh này thiếu nhiều giáo viên Tin học, Tiếng Anh ở tiểu học, cấp THPT thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. 43/46 trường THPT của tỉnh này chưa có giáo viên các môn Nghệ thuật.

An Giang cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi thiếu 185 giáo viên dạy Tin học lớp 3, chưa có giáo viên dạy các môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Ở cấp THPT, địa phương này chưa có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Gia Lai, để triển khai dạy Tiếng Anh và Tin học theo chương trình mới đối với lớp 3, toàn tỉnh cần bổ sung 132 giáo viên cho 2 môn học này.

Theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, dù có nhiều cố gắng, địa phương này không thể đáp ứng được nhu cầu giáo viên ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học.

Bên cạnh việc thiếu nhiều giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc, tỉnh còn thiếu giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2 ở cấp THPT. Hiện nay, chưa trường THPT nào trên địa bàn tỉnh Gia Lai có giáo viên các môn học mới này.

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết vẫn còn thiếu trên 1.200 biên chế cần bổ sung cho các năm học tiếp theo. Riêng năm học 2022-2023, tỉnh còn thiếu 281giáo viên, bao gồm các lĩnh vực Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng dân tộc.

“Ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang còn những khó khăn, bất cập như tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ, việc thực hiện chương trình phổ thông mới vẫn còn nhiều vấn đề chưa đồng bộ, trong đó dự báo về tình trạng thiếu giáo viên Kỹ thuật, Mỹ thuật khi triển khai sách giáo khoa lớp 10, tình trạng thiếu cơ sở vật chất khi thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020” – ông Bảo nói.

Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh. 

“Đau đầu” lên phương án tạm thời

Hiện phần lớn trường THPT ở tỉnh Bình Định đều không có giáo viên ở các bộ môn nghệ thuật, gồm âm nhạc và mỹ thuật. Theo ông Nguyễn Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường THPT số 1 An Nhơn (thị xã An Nhơn), hiện nhà trường chưa có giáo viên 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Trong trường hợp có học sinh chọn các môn học này, trường sẽ tính đến phương án hợp đồng giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở trường THCS.

Bà Lê Thị Điển, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, cho hay vừa qua sở đã triển khai hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023. Theo đó, mỗi trường THPT xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn ở lớp 10 gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình, vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật), nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn. Ngoài ra, sở cũng khuyến khích các trường triển khai dạy học các môn tự chọn khi có điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Ông Trần Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết hiện tỉnh còn thiếu khoảng 100 giáo viên dạy Tin học trong năm học tới.

“Sau khi thực hiện đề án rà soát, sắp xếp lại trường lớp, giáo viên, ngành giáo dục tỉnh đã giải quyết tạm ổn vấn đề vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ. Tuy nhiên, năm học 2022-2023 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy bắt buộc Tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3, tỉnh còn thiếu khoảng 100 giáo viên dạy Tin học. Trong khi đó, bộ môn này không thể tuyển giáo viên vì không có biên chế, nên phải liên kết với các trường dạy nghề để hợp đồng có thời hạn giáo viên dạy bộ môn này”, ông Dự cho biết.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng thiếu giáo viên cũng diễn ra khá gay gắt trong thời gian qua khiến nhiều trường, nhiều địa phương đau đầu. Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi thiếu gần 2.000 giáo viên. Để giải bài toán thiếu giáo viên, đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thi tuyển 1.169 chỉ tiêu giáo viên ở các cấp học.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, dự kiến, trong năm học 2022-2023 số học sinh tăng cao, Bình Dương thiếu khoảng 3.000 giáo viên. Trong khi đó, tại Bình Phước, năm học 2022-2023, qua thống kê, tỉnh này thiếu khoảng 1.500 giáo viên, riêng môn Tin học và Tiếng Anh còn thiếu 178 giáo viên.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương có các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, lên phương án giải quyết kịp thời, bổ sung nhân sự đáp ứng nhu cầu giảng dạy.

Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh cho hay ở bậc học mầm non tỉnh này đang thiếu 90 giáo viên, bậc tiểu học đang thiếu 482 giáo viên, bậc THCS thiếu 75 giáo viên bộ môn và bậc THPT thiếu 36 giáo viên. Với tình hình trên, sở này đã đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tuyển dụng 295 giáo viên, trong đó bậc mầm non là 43 giáo viên, bậc tiểu học là 234 giáo viên và bậc THPT là 18 giáo viên cho năm học 2022-2023.

Để có thể bố trí đủ giáo viên dạy học, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai đã phải tìm nhiều cách để bảo đảm việc học của học sinh. Trong đó, các giải pháp như phân công, bố trí, điều tiết giáo viên trong vùng; dồn lại các điểm trường, sáp nhập các trường học để giảm số lớp và giáo viên; tuyển giáo viên hợp đồng với số chỉ tiêu biên chế còn thiếu.

Vừa qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Chính phủ đề nghị xem xét bổ sung biên chế giáo viên cho ngành giáo dục Gia Lai.

Khó phân công giảng dạy

Theo dự báo của Bộ GD&ĐT, đến năm 2025, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả khối lớp, ngành giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên Tin học ở cấp tiểu học; ở cấp THPT cần trên 5.300 giáo viên môn Nghệ thuật.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thiếu giáo viên cho chương trình mới sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phân công giảng dạy. Việc hầu hết trường THPT chưa có giáo viên dạy môn Mỹ thuật và Âm nhạc đã gây ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch tổ hợp môn học lựa chọn.

Không để ảnh hưởng đến học sinh

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, các giải pháp đều đặt mục tiêu là không ảnh hưởng tới học sinh, không thể để dồn trường khiến học xa nhà mà các em phải bỏ học. Sở GD&ĐT đã tính tới việc thuê xe đưa đón học sinh tại các điểm thuận lợi.

Các em học sinh xa quá, trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày để các em có thể sáng đi, chiều về. Các buổi trưa ở lại, trường thực hiện mô hình bán trú dân nuôi, tức là phụ huynh đóng góp thức ăn, chỗ ở trong khi chưa có điều kiện xây chỗ bán trú cho học sinh.

Nhóm PV – Người Lao động

Đang làm bài thi