Bí quyết sử dụng những câu chuyện làm hấp dẫn bài học Lịch sử

Những câu chuyện kể được cô Trần Thị Vui, giáo viên Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên) khéo léo lồng vào mỗi bài giảng lịch sử, khiến giờ học trở nên sống động.

Học sinh Trường THPT Phù Cừ kể câu chuyện “Bước chân Tây Sơn thần tốc và “Quang Trung đại phá quân Thanh” trong giờ học Lịch sử.

Công phu mỗi câu chuyện về nhân vật lịch sử

Để có được những câu chuyện về nhân lịch sử dụng trong dạy học Lịch sử cần sự chuẩn bị khá công phu của giáo viên.

Với cô Trần Thị Vui, khâu cần thực hiện đầu tiên là tìm hiểu nội dung lịch sử cơ bản trong bài liên quan tới nhân vật. Sau đó, sưu tầm, tìm kiếm tài liệu lịch sử, các mẩu chuyện liên quan tới nhân vật để làm cơ sở xây dựng câu chuyện. Phác thảo chủ đề, nội dung câu chuyện về nhân vật lịch sử liên quan tới bài học lịch sử trên lớp. Bước tiếp theo, xây dựng câu chuyện về nhân vật lịch sử theo kịch bản đã phác thảo. Cuối cùng, xem lại kết cấu, trình bày của câu chuyện. Tiếp đó, tiến hành sửa chữa hoặc bổ sung những hạn chế của câu chuyện cho phù hợp với mục đích sử dụng khi dạy học.

Mỗi bài học học sinh có thể được biết đến nhiều nhân vật lịch sử. Bởi vậy, cô Trần Thị Vui cho rằng, trên cơ sở nghiên cứu nội dung cơ bản bài viết trong sách giáo khoa về từng nhân vật, giáo viên chọn lựa để xây dựng câu chuyện lịch sử liên quan. Chú ý những câu chuyện về nhân vật có ý nghĩa làm nổi bật nội dung cơ bản của bài học.

Sưu tầm tài liệu liên quan tới nhân vật là khâu vô cùng quan trọng. Nguồn tài liệu càng phong phú, chính xác bao nhiêu thì câu chuyện được xây dựng sẽ khoa học, hấp dẫn hơn bấy nhiêu. Khi sưu tầm tài liệu cần chú ý tới tính chân thực, tin cậy của nguồn tài liệu.

Tiếp đến, để có câu chuyện hoàn chỉnh, cô Trần Thị Vui cho biết cần phác thảo phần khung câu chuyện. Chủ đề câu chuyện phải căn cứ vào nội dung đơn vị kiến thức tương ứng trong bài, thể hiện được tinh thần và nội dung mà câu chuyện muốn truyền tải. Đồng thời, chủ đề là cốt lõi để truyền tải thông điệp lịch sử cho câu chuyện.

Tôi sử dụng câu chuyện “Dòng họ Nguyễn Tây Sơn” khi giới thiệu về 3 anh em Tây Sơn; câu chuyện “Bước chân Tây Sơn thần tốc và Quang Trung đại phá quân Thanh” khi dạy phần Quang Trung tiến quân ra bắc đại phá quân Thanh. Trước đó, học sinh đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị trước những câu chuyện trên thông qua gợi ý, định hướng của giáo viên bằng câu hỏi cụ thể. Trong giờ học, chính học sinh sẽ là người kể lại câu chuyện nhân vật. Học sinh rất thích thú và tích cực hoàn thành nhiệm vụ” – cô Trần Thị Vui chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Phù Cừ kể câu chuyện “Bước chân Tây Sơn thần tốc và “Quang Trung đại phá quân Thanh” trong giờ học Lịch sử.

Biện pháp sử dụng câu chuyện về nhân vật trong dạy học Lịch sử

Cô Trần Thị Vui cho biết: Giáo viên có thể sử dụng câu chuyện về nhân vật lịch sử để cung cấp sự kiện và khắc sâu biểu tượng lịch sử cho học sinh. Hoặc sử dụng câu chuyện về nhân vật kết hợp với các phương pháp trình bày miệng (miêu tả, nêu đặc điểm, tường thuật); sử dụng câu chuyện về nhân vật kết hợp với trao đổi đàm thoại giúp học sinh nhận xét, đánh giá nhân vật lịch sử.

Giáo viên cũng có thể sử dụng câu chuyện về nhân vật khi kết hợp với đồ dùng trực quan để làm tăng tính trực quan trong dạy học Lịch sử. Hay có thể sử dụng câu chuyện về nhân vật giúp học sinh hiểu rõ mối liên hệ giữa các yếu tố cấu thành lịch sử (thời gian, không gian, nhân vật, biến cố).

Với việc sử dụng câu chuyện về nhân vật để cung cấp sự kiện và khắc sâu biểu tượng lịch sử cho học sinh, cô Trần Thị Vui gợi ý:Để sử dụng câu chuyện trong việc cung cấp sự kiện, tạo biểu tượng lịch sử, giáo viên phải trải qua bước chuẩn bị ở nhà (gắn liền với quá trình soạn giáo án); bước sử dụng trên lớp (kết hợp tổ chức cho học sinh nghiên cứu kiến thức mới).

Khi chuẩn bị, trước tiên giáo viên phải nghiên cứu nội dung cơ bản của bài học để xác định mục đích sử dụng, kiến thức cơ bản và chọn lựa câu chuyện lịch sử cho phù hợp… Trên cơ sở xác định được câu chuyện, giáo viên tìm hiểu rõ nội dung sự kiện, biểu tượng lịch sử “ẩn” trong câu chuyện đó. Hay nói cách khác là tìm ra thông điệp lịch sử được gửi gắm qua câu chuyện. Trong chuyện bao gồm sự kiện, nhân vật, thời gian, không gian cụ thể. Cần kết hợp tìm hiểu kiến thức trong sách giáo khoa viết về sự kiện này với nội dung câu chuyện để khai thác, sử dụng hiệu quả.

Với biện pháp sử dụng câu chuyện về nhân vật kết hợp với các phương pháp trình bày miệng (miêu tả, nêu đặc điểm, tường thuật), chuẩn bị trước khi lên lớp, giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu nội dung sách giáo khoa để xác định những biến cố lịch sử cần tường thuật; hay những chi tiết, biểu tượng cần miêu tả, nêu đặc điểm. Tiếp đó, cần lựa chọn câu chuyện về nhân vật phù hợp để kết hợp với các hình thức trình bày miệng đã nêu.

Muốn sử dụng câu chuyện hiệu quả, giáo viên cần hiểu rõ nội dung và định hướng được cách sử dụng hợp lý. Với những câu chuyện sử dụng khi kết hợp với tường thuật, giáo viên cần nắm vững kết cấu, hiểu những sự kiện, nhân vật, biểu tượng có trong chuyện. Với những câu chuyện kết hợp với miêu tả, nêu đặc điểm cần phân tích, khai thác những chi tiết mang tính đặc trưng cho nhân vật, sự việc hay địa danh…Có những sự kiện có thể sử dụng phối hợp kể chuyện với tường thuật, miêu tả và nêu đặc điểm… Sau khi kể chuyện cho học sinh xong, giáo viên có thể đặt ra câu hỏi cảm nhận về nội dung câu chuyện sự kiện.

Với việc sử dụng câu chuyện về nhân vật kết hợp với trao đổi đàm thoại giúp học sinh nhận xét, đánh giá nhân vật lịch sử, cô Trần Thị Vui lưu ý: Câu hỏi đặt ra phải phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh, phải đúng với nội dung bài học; kích thích học sinh suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo từ đó giúp các em nắm vững bài và đồng thời kiểm tra đánh giá được hoạt động nhận thức của học sinh. Giáo viên lưu ý và hướng dẫn học sinh tìm hiểu kĩ yêu cầu của câu hỏi, sau đó khai thác nội dung kiến thức để vận dụng chúng vào trả lời câu hỏi.

Cô Trần Thị Vui cũng nhấn mạnh cần kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp khi sử dụng câu chuyện về nhân vật trong dạy học lịch sử. Minh chứng cụ thể cho sự kết hợp đó là kể chuyện lịch sử nên phối hợp với việc khai thác đồ dùng trực quan. Khi học về một biến cố lịch sử quan trọng, hoặc sử dụng tranh ảnh, hoặc sử dụng bản đồ, lược đồ, nhất thiết phải biết kết hợp với lời kể, lời thuật của giáo viên thì việc dạy-học mới thực sự hòa quyện.

Nếu giáo viên chỉ kể chuyện, học ính chỉ có thể tưởng tượng một cách mơ hồ; ngược lại, giáo viên chỉ sử dụng đồ dùng trực quan để khai thác thì học sinh chỉ biết một cách khái lược. Nhưng có sự kết hợp giữa lời kể với một bức tranh, hay một tấm lược đồ, học sinh sẽ dễ dàng hình dung, tưởng tượng và khôi phục lại được bức tranh quá khứ gần đúng với những gì nó đã diễn ra tức là tiếp cận sát với hiện thực lịch sử hơn.

Hải Bình

Đang làm bài thi