Trầm cảm học đường: Góc nhìn từ nhà trường

Ca tư vấn tâm lý học đường tăng mạnh sau thời gian dài học online. Trước thực tế này, một số nhà trường đã chủ động trong việc hỗ trợ tâm lý, định hướng giúp học sinh tuổi “teen” vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hậu COVID-19” ở học đường

COVID-19 dần được kiểm soát ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Học sinh được trở lại trường trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, những vấn đề về tâm lý, trầm cảm sau gần 3 năm học online đã tác động không nhỏ đến các em, nhất là lứa tuổi học cấp THPT.

Em Đào Minh Anh, lớp 11D2, Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ quan điểm về những sự việc học sinh tự tử trong thời gian qua: “Em biết những thông tin qua báo, đài, mạng xã hội. Đây là những sự việc vô cùng đáng tiếc. Nếu như các em, các bạn có tìm đến nơi chia sẻ như thầy cô, bạn bè để giải toả những day dứt trong lòng đã không xảy ra điều đáng tiếc…”.

Em Lê Minh Đức, lớp 11D2, Trường THPT Việt Đức (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Em thực sự có những áp lực từ phía gia đình. Trên lớp thấy hơi lạc lõng trong môi trường học tập. Em đã luôn tìm cách để cải thiện suy nghĩ, giữ tinh thần lạc quan bằng cách chia sẻ với bạn bè…”.

Là giáo viên dạy Lịch sử và kiêm tư vấn viên ở phòng tâm lý học đường của Trường THPT Việt Đức, cô Phạm Thị Thanh Huyền cho biết: “Thời gian nghỉ dịch khá dài đã ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Trường học trở lại nhận nhiều mong muốn hỗ trợ tâm lý từ học sinh. Đó là những vấn đề trong quan hệ với gia đình. Các em không tìm thấy tiếng nói chung với cha mẹ. Hay những bức xúc vì ở nhà kéo dài. Các em đang ở lứa tuổi hoạt động, nhưng phải ngồi yên làm cho các em mệt mỏi, căng thẳng, đôi khi có biểu hiện tâm lý bất thường”.

Theo cô Phạm Thị Thanh Huyền, những ca cần tư vấn tâm lý nhiều nhất chính là những ca có xung đột trong gia đình như anh em, bố mẹ. Tiếp theo là hiệu quả học tập giảm sút do không được đến trường. Hay như việc trở lại học tập, thời gian đầu các em còn chưa đi học đúng giờ, thức quá khuya…

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức nhận định: “Học sinh của tôi đã có những thay đổi khi trở lại trường học như: Trầm tư, ít nói, tự tin không như trước. Những năm trước đây, các em có bản lĩnh, yêu thích các lĩnh vực mình đam mê và nói lên nguyện vọng của mình. Nhưng sau thời gian dài học trực tuyến, những kỹ năng đó ở một số học sinh mờ nhạt. Bản thân các em gặp phải những áp lực điểm số. Học sinh lớp 12 thì có áp lực trong việc lựa chọn ngành, trường dự thi… và những vấn đề đến từ bạn bè.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định, trong bối cảnh hiện nay, học sinh phổ thông đang sống giữa môi trường chịu nhiều áp lực khác nhau. Trường học đang tập trung lớn vào các kỳ thi, thay vì chuẩn bị cho các em tất cả các điều kiện, kiến thức, kỹ năng cho các em tự tin bước vào cuộc sống.

Giúp học sinh nói lên suy nghĩ  

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Gần 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, học sinh phải đối mặt với vấn đề về sức khỏe tâm thần. Để giúp học sinh vượt qua những trạng thái cảm xúc tiêu cực, trường học cần giúp các em hiểu rõ những khó khăn, chấp nhận các biện pháp điều trị và tạo ra một môi trường an toàn. Nhà trường giúp các học sinh vượt qua những áp lực bằng cách thay đổi môi trường, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân trong gia đình và bạn bè”.

Tại Trường THPT Việt Đức, khi nhận diện những vấn đề của học sinh sau khi trở lại trường sau thời gian dài học online, nhà trường đã có những biện pháp hỗ trợ tâm lý. Trước mắt, nhà trường tập huấn cho toàn bộ giáo viên để hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh. Phòng tâm lý học đường bên cạnh phát hiện, sàng lọc tâm lý, còn có hoạt động hỗ trợ chia sẻ giúp các em trong các vấn đề học tập, cảm xúc, quan hệ với bạn bè, cha mẹ hay tình cảm lứa tuổi học trò.

Bày tỏ trước những hiện tượng tiêu cực như tự tử của học sinh vừa qua, cô Nguyễn Bội Quỳnh cho biết: “Nhà trường đã có buổi họp với các thầy cô giáo. Việc làm này không phải để cảnh tỉnh, mà để thầy cô thấu cảm với học sinh mình hơn. Giúp các em tìm đường sáng để đi. Chúng tôi tranh thủ từng giây phút để gần gũi học sinh hơn”.

Giải pháp mà Trường THPT Việt Đức đang làm hiện nay là lớp, trường mời các chuyên gia, diễn giả đến nói chuyện với học sinh, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc tuổi mới lớn của các em.

“Cách làm này khá thành công. Như vừa qua lớp 11D3 mời chuyên gia tâm lý hướng nghiệp cho các em. Có lớp chuẩn bị buổi tư vấn giúp học sinh nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Hoạt động này cũng có thể đến từ đề xuất của đại diện cha mẹ học sinh. Nếu tất cả nhìn về một hướng để giải quyết thì học sinh sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất”, cô Nguyễn Bội Quỳnh nhận định.

Một số hình ảnh học tập, hoạt động thể thao của học sinh Trường THPT Việt Đức:

Chú thích ảnh
Giáo viên tư vấn, giải đáp những tình huống tâm lý cho học sinh ngay trong giờ học.
Chú thích ảnh
Được trao đổi trong học tập cùng nhau là ước mong của nhiều học sinh dịch COVID-19.
Chú thích ảnh
Hoạt động thể thao giúp học sinh giảm bớt căng thẳng sau giờ học.
Chú thích ảnh
Những buổi tập vũ đạo sôi động.
Chú thích ảnh
Hay cùng nhau đi học giúp học sinh phần nào giảm thiểu những áp lực trong thời gian tạm dừng đến trường quá dài. 
Đang làm bài thi