Cơ hội hay thử thách

Mùa tuyển sinh năm nay có khoảng 10 kỳ thi riêng dành cho thí sinh muốn vào các trường đại học, bên cạnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT.

Ngoài hai kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, còn có kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, kỳ thi riêng của ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, kỳ thi TESTAS của ĐH Việt Đức… Đặc biệt, năm nay Bộ Công an cho biết cũng sẽ tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển kết hợp, dự kiến sẽ thi sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, năm 2021, một số trường tư thục cũng đã có kế hoạch xúc tiến tổ chức kỳ thi riêng, như ĐH Hồng Bàng, ĐH Nguyễn Tất Thành…

Tự tổ chức kỳ thi riêng là mong ước của nhiều trường đại học khi tự chủ tuyển sinh. Bởi đây là cách mà các trường có thể chủ động chọn được thí sinh hợp ý nhất với mình. Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho hay với kỳ thi chuyên biệt, nhà trường hy vọng chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với tính chất của ngành học mang tính đặc thù của trường.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo các ngành/trường có tính cạnh tranh cao, nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Theo đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT như bước sàng lọc, sơ tuyển và cần có thêm các hình thức sát hạch, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng, đảm bảo số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh. Đây cũng là cơ sở để các trường đại học quan tâm xây dựng các kỳ thi riêng.

Thực tế, ưu điểm của kỳ thi riêng đã được chứng minh qua các kỳ tuyển sinh gần đây. Chẳng hạn như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM đến nay có hơn 80 cơ sở đại học đăng ký sử dụng kết quả để tuyển sinh, trong số này có 54 trường sử dụng chung hệ thống đăng ký xét tuyển. Kỳ thi đã tạo thuận lợi cho thí sinh, đạt uy tín về mặt khảo thí, là nền tảng quan trọng hướng đến hình thành trung tâm khảo thí chuyên nghiệp, trung tâm khảo thí độc lập theo định hướng đổi mới tuyển sinh của Bộ.

Tuy vậy, xung quanh việc thêm nhiều trường mở kỳ thi riêng, cũng có không ít lo ngại về viễn cảnh “trường nào thi trường nấy” như trước “ba chung”; thí sinh “loạn” luyện, loạn thi gây lãng phí thời gian, tiền bạc; chất lượng tổ chức kỳ thi và chất lượng đánh giá, sàng lọc… Những lo ngại này dấy lên bởi thực tế một số kỳ thi còn mới mẻ, thí sinh thiếu thông tin nên bị  lừa đảo luyện thi, sửa tài khoản đăng ký dự

thi… Tình trạng thí sinh thử sức nhiều kỳ thi không dựa trên nguyện vọng vào trường cũng đã diễn ra, cảnh báo lãng phí thời gian, tiền bạc.

Liên quan đến chất lượng các kỳ thi riêng, từ năm 2020, quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT đã có quy định chi tiết về điều kiện tổ chức. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện như: Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh, bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng; các trường tổ chức thi riêng phải có ngân hàng câu hỏi thi… Quy định chặt chẽ vậy nên không phải trường nào muốn tổ chức thi cũng làm được. Mùa tuyển sinh 2021, không ít trường cũng lên phương án tổ chức thi riêng nhưng rồi cuối cùng phải tạm hoãn, do không đủ điều kiện.

Tổ chức kỳ thi riêng không phải là yêu cầu bắt buộc đối với các trường. Vì thế, nếu quyết định tổ chức, bắt buộc phải đặt yếu tố chất lượng, quyền lợi thí sinh lên hàng đầu. Song song với việc chuẩn bị đầy đủ điều kiện và phải công bố sớm, rộng rãi về kỳ thi trong đề án tuyển sinh, các trường cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn để thí sinh hiểu và chọn chính xác, tăng cơ hội trúng tuyển; tránh tình trạng bị rối khi tiếp cận cùng lúc nhiều kỳ thi khác nhau. Trong bối cảnh đa dạng kỳ thi/phương thức tuyển sinh nhưng chỉ có một cơ hội nhập học, việc các trường tạo thuận lợi cho thí sinh cũng chính là tạo thuận lợi cho chính mình.

Đang làm bài thi