Sáng tác truyện tranh để học Toán

Từng không thích Toán nhưng nhận ra giá trị và tính ứng dụng của môn học này, bốn nữ sinh lớp 9, trường Tiểu học và THCS FPT, tạo ra truyện tranh “Trò chơi Toán học”.

Ngày đầu tiên trở lại trường sau gần 10 tháng học trực tuyến, bốn nữ sinh: Doãn Phương Thảo, Nguyễn Phương Hoa, Tạ Vân Nhi, Phạm Đào Khánh Đan (lớp 9A1, Tiểu học và THCS FPT, quận Cầu Giấy) được thông báo kết quả của dự án học tập mà các em hoàn thành trước Tết. Với truyện tranh “Trò chơi Toán học”, các em giành điểm tuyệt đối, được đánh giá là một trong những nhóm sáng tạo và mang đến sản phẩm chất lượng nhất.

Trang bìa của truyện tranh Trò chơi Toán học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trang bìa của truyện tranh “Trò chơi Toán học”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày 21/1, học sinh lớp 9 Tiểu học và THCS FPT được thông báo đề tài cho dự án “Toán học – Một thiên tiểu thuyết”. Thay vì làm bài kiểm tra trên giấy trong 90 phút, xoay quanh kiến thức đã học, các em có thể vẽ sơ đồ tư duy, làm phim, mô hình… để lột tả kiến thức của chương Hình học không gian sắp tới. Thời hạn hoàn thành sản phẩm là 10 ngày, tính từ lúc nhận đề bài.

Cô Lê Thị Thu Hà, giáo viên Toán lớp 9A1, cho biết, cho học sinh làm dự án, sản phẩm thay thế bài kiểm tra giấy được tổ chức thường xuyên tại trường. Mỗi kỳ, cô luôn đặt ra 1-2 dự án học tập, cho các em cơ hội trải nghiệm và phát triển kỹ năng mềm bên cạnh kiến thức trên lớp. Cô Hà đánh giá, yêu cầu học sinh tìm hiểu trước kiến thức của chương sắp học không phải là đánh đố, làm khó mà để các em tự học. “Sau khi chấm và đánh giá sản phẩm, chúng tôi vẫn chữa và dạy lại cho học sinh. Do đó, các em gần như được học hai lần”, cô Hà cho hay.

Chơi với nhau từ lâu, Phương Thảo, Phương Hoa, Vân Nhi và Khánh Đan nhanh chóng lập nhóm, lấy tên SPACE, và lên ý tưởng cho dự án. Sau một ngày bàn bạc, các em quyết định tận dụng khả năng hội họa của trưởng nhóm Phương Thảo, tạo ra bộ truyện tranh lồng ghép kiến thức Hình học. Thay vì tận dụng cốt truyện và nhân vật có sẵn của các bộ truyện và game sinh tồn, các em tạo ra nội dung hoàn toàn mới.

Nhân vật chính của “Trò chơi Toán học” là một nữ sinh lười học Toán, thích chơi game. Trong một lần trở về nhà sau khi nhận điểm kém, nhân vật xuyên không, bất đắc dĩ bị kéo vào một trò chơi sinh tồn. Tại đây, nữ sinh này buộc phải giải được các câu hỏi Toán học để trở về thế giới thực. Thảo cho biết, nhân vật có nét tương đồng với các thành viên trong nhóm, vì các em cũng từng không thích Toán trước khi nhận ra tính ứng dụng của môn học này.

Hàng trên: Phương Hoa (trái), Khánh Đan; hàng dưới: Phương Thảo (trái), Vân Nhi. Bốn thành viên tạo nên truyện tranh Trò chơi Toán học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hàng trên: Phương Hoa (trái), Khánh Đan; hàng dưới: Phương Thảo (trái), Vân Nhi. Bốn thành viên tạo nên truyện tranh “Trò chơi Toán học”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời điểm đó, học sinh lớp 9 nội thành Hà Nội chưa được học trực tiếp nên mọi công đoạn đều được bốn nữ sinh bàn bạc, triển khai online. Tự học vẽ truyện tranh từ lâu, Phương Thảo đảm nhận toàn bộ phần hình ảnh. Phương Hoa biên tập, thêm hiệu ứng và viết thoại cho nhân vật. Nội dung các câu hỏi Toán học do Khánh Đan tìm hiểu, chọn lọc còn Vân Nhi phụ trách hậu cần, làm nhật ký dự án.

Với bản phác thảo đầu tiên, truyện dài hơn 50 trang. Các thành viên đánh giá “hơi dài và dàn trải” nên “họa sĩ” Thảo phải tìm cách rút ngắn còn 31 trang, đồng thời vẫn đảm bảo nội dung nhóm đã thống nhất. “Em rất tiếc khi phải bỏ bớt truyện nhưng để tạo ra một sản phẩm nhóm hoàn thiện, em cần lắng nghe ý kiến các bạn và chỉnh sửa cho phù hợp”, Thảo nói.

Vì chỉ có 10 ngày để hoàn thành, cả nhóm làm các công đoạn song song với nhau chứ không đợi lần lượt. Sau khi Thảo vẽ chi tiết một trang truyện dựa trên bản phác thảo, em sẽ chuyển ngay cho Hoa viết thoại, còn mình tiếp tục vẽ trang mới. Cùng lúc đó, Đan tổng hợp và lựa chọn câu hỏi Toán học phù hợp để đưa vào. Các thành viên cho rằng, mỗi công đoạn lại có khó khăn riêng.

Với nhiệm vụ biên tập, Hoa phải làm sao đưa đủ lời thoại cần thiết vào trong khung tranh, đặc biệt là những phần liên quan kiến thức Toán học, mà không khiến truyện nhàm chán. “Nếu một trang truyện toàn số liệu thì người đọc sẽ thấy chán, có thể chỉ xem tranh hoặc bỏ luôn truyện ở đó”, Hoa nói. Do vậy, nữ sinh đã căn chỉnh kích thước chữ, đồng thời lược bỏ mọi từ thừa để truyện súc tích nhưng vẫn dễ hiểu, gần gũi.

Bên cạnh phần hình ảnh, nhóm xác định phải đầu tư nội dung Toán học, bởi “một bộ truyện đẹp đến mấy mà sai kiến thức cũng không có nhiều giá trị”. Chịu trách nhiệm chính cho công đoạn này, bên cạnh tính chính xác, Khánh Đan đặt hai tiêu chí khi lựa chọn câu hỏi: thể hiện được nhiều kiến thức nhất có thể nhưng không được quá dài. “Những câu hỏi về công thức đơn thuần không khó lắm, nhưng có câu vận dụng và nhiều số liệu, bọn em phải tính đi tính lại nhiều lần vì sợ sai”, Đan kể.

Khi đọc “Trò chơi Toán học”, cô Hà đánh giá điểm hay của bộ truyện là nhóm sử dụng đa dạng câu hỏi. Thông thường, học sinh chỉ đưa ra câu hỏi nhận biết như “Đây có phải hình trụ không?”, tuy nhiên, sản phẩm của nhóm có cả những câu vận dụng cao, đòi hỏi phải liên hệ kiến thức mới giải được. “Chưa kể, trước khi đưa ra đáp án, truyện còn có các tình tiết gợi ý để nhân vật tìm ra lời giải. Tôi đánh giá rất cao tiêu chí này, giúp sản phẩm không chỉ dừng ở mức có tranh vẽ, hình ảnh tốt”, cô Hà cho hay.

Sau khi nghe các thành viên thuyết trình và đảm bảo rằng đây là sản phẩm nhóm, cô Hà dành điểm 10 tuyệt đối cho “Trò chơi Toán học”. “Cô không có 11 điểm, nếu có cũng cho các con luôn”, cô Hà chia sẻ với bốn nữ sinh.

Đại diện nhóm, Hoa cho biết cả bốn đều hài lòng vì đã thể hiện được hết khả năng, điểm mạnh của mình. “Qua bộ truyện này, bọn em mong các bạn học sinh đón nhận môn Toán một cách vui vẻ để nhìn được những điều thú vị, thực tế của môn học”, Hoa nói.

Cả nhóm cho rằng, được làm dự án học tập thay cho bài kiểm tra giấy truyền thống giúp các em có cơ hội sáng tạo, thể hiện và học hỏi thêm nhiều kỹ năng hơn. Các em từng được làm nhiều thí nghiệm Vật lý, thiết kế tạp chí cho môn Lịch sử và trải nghiệm nhiều hoạt động khác. Sắp tới, bốn nữ sinh sẽ hoàn thiện dự án Lịch sử về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết kế video hoặc poster chống nạn tảo hôn cho môn Giáo dục công dân.

Dạy lớp 9A1 từ năm lớp sáu, cô Hà đánh giá các em đã trưởng thành hơn rất nhiều qua từng dự án. Ban đầu, sản phẩm chỉ là những mô hình đơn giản, thủ công, giờ đã có sự chuyên nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin. Cô giáo cho rằng, dạy học không chỉ mang đến kiến thức và còn cần tạo cơ hội để học sinh phát triển nhiều kỹ năng.

“Cách kiểm tra thông qua dự án ngoài việc khiến môn học bớt khô khan, còn giúp học sinh tăng cường khả năng sáng tạo, dám nghĩ dám làm và bản lĩnh hơn trong cuộc sống sau này”, cô Hà nói.

Đang làm bài thi