Có nên tổ chức bữa ăn bán trú?

Khi học sinh dần quay trở lại học trực tiếp thì một nhu cầu bức thiết lại được đặt ra: ‘Bao giờ thì các trường tổ chức bán trú

Trên 90% phụ huynh mong muốn gửi con bán trú, vì việc đưa đón giữa buổi và bố trí gửi con sau khi tan học là điều khá khó khăn với hầu hết các gia đình

Ph huynh khó thu xếp

Chị Hằng, một phụ huynh có con học lớp 3 Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, HN) cho biết, thời gian học trực tuyến thì vợ chồng chị gửi con cho ông bà ngoại ở Long Biên. Nhưng sắp tới con quay lại học trực tiếp thì vợ chồng chị phải đón con về. “Nếu trường chưa tổ chức bữa ăn bán trú thì chúng tôi gặp khó khăn vì công việc của cả hai vợ chồng đều phải đi từ sáng đến tối. Khi con chỉ học một buổi thì sẽ phải có người về giữa giờ đón con rồi mang đi gửi hoặc cho đến cơ quan bố mẹ. Việc này vừa phiền phức vừa tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nhiều hơn là khi con ăn ngủ bán trú ở trường và được học 2 buổi/ngày”, chị Hằng băn khoăn.

Điều chị Hằng lo lắng đã xảy ra với nhiều gia đình học sinh ở ngoại thành Hà Nội, nơi các trường tiểu học đã mở cửa trở lại từ ngày 10.2. “Tôi nghỉ làm luôn để đón con vì sáng 8g con đến trường, 10g30 tan học. Nếu tôi đi làm thì chỉ kịp chạy đến công ty rồi lại chạy về. Đành xin làm việc từ xa nhưng tình hình này không thể kéo dài được. Có lẽ sẽ phải tìm chỗ gửi con bên ngoài trường mà như thế sẽ có rất nhiều nguy cơ, từ thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm đến lây nhiễm dịch bệnh…”, anh Tiến, một phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học B thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, HN) cho biết.

Theo bà Ngô Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học B thị trấn Văn Điển, cùng với việc cho con trở lại trường, có khoảng trên 80% trong tổng số gần 1.500 học sinh được bố mẹ bày tỏ mong muốn con được học 2 buổi/ngày như trước đây. “Những trường hợp cha mẹ làm nghề tự do hoặc gia đình có ông bà, người thân ở nhà thì sắp xếp được, nhưng trường hợp chỉ có bố mẹ mà bố mẹ đi làm cả ngày thì sẽ rất khó khăn”, bà Thủy chia sẻ.

Hà Nội là một trong những địa phương mà nhu cầu gửi con bán trú ở bậc mầm non, tiểu học rất lớn. Khảo sát của một số trường cho thấy, có tới trên 90% phụ huynh mong muốn gửi con bán trú. “Tôi đã chọn cách nhốt con ở nhà và lắp camera theo dõi nhưng việc này rất rủi ro vì lỡ có chuyện gì, bố mẹ không thể chạy về nhà kịp. Nhưng công việc của tôi không thể cắp con đi theo cả buổi làm. Nếu trường không tổ chức bán trú, tôi nghĩ chắc chắn sẽ phát sinh những lớp bán trú ở nhà dân hoặc nhà cô giáo vì nhu cầu bức thiết, sẽ không cấm được”, chị Thủy, phụ huynh có con học ở một trường ngoại thành cho hay.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã có vài cuộc họp sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng việc có hay không tổ chức bữa ăn bán trú vẫn chưa ngã ngũ. Theo dự kiến, ngày 21.2 tới, học sinh từ lớp 1 – 6 ở Hà Nội sẽ trở lại trường học trực tiếp và đây là đối tượng học sinh cần bán trú nhất. Chưa kể lớp 1 và 2 đang triển khai chương trình GD phổ thông mới được thiết kế 2 buổi/ngày. Việc trở lại trường với 1 buổi/ngày sẽ khiến các trường lúng túng khi phải bù đắp buổi 2 bằng hình thức trực tuyến.

“Đưa đón con, trông con đã khổ, giờ lại phải canh để con học trực tuyến một buổi, sau khi học ở trường một buổi thì bố mẹ nghỉ làm ở nhà cho rồi”, một phụ huynh có con học Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân bức xúc. Theo vị này, nếu học trực tuyến như trước, phụ huynh có thể gửi con cho ông bà, người thân, thậm chí gửi con về quê vẫn học được. Nhưng nay dở nọ dở kia thì mới thực sự nan giải. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất – nơi bố mẹ học sinh phải làm ca kíp…

Cn tính gii pháp hp lý đ có bán trú

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khi trao đổi về vấn đề này cũng lo ngại việc trẻ em ăn, nghỉ cùng phòng thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ cao, nhất là với những lớp học, phòng ăn, phòng ngủ trưa không gian kín, kém thông thoáng. Tuy nhiên, ông Phu cũng cho rằng, trẻ ở nhà mà không tránh tiếp xúc thì nguy cơ lây nhiễm vẫn có. Ngoài ra, trẻ có thể lây từ người lớn khi chúng ta đi khắp nơi và không nghiêm túc tuân thủ 5K. Phụ huynh không có điều kiện để con ở nhà mà mang con theo đến chỗ làm, gửi cho các nhóm trông giữ ở bên ngoài nhà trường thì nguy cơ còn cao hơn là trẻ được chăm sóc ở lớp bán trú trong nhà trường.

“Cần phải cân nhắc hết những nguy cơ rủi ro có thể lây nhiễm Covid-19 cho trẻ để lựa chọn phương án ít nguy cơ hơn. Trong thời gian này, chúng ta cũng phải chuyển sang trạng thái thích ứng, linh hoạt để kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, chấp nhận F0 chứ không tuyệt đối “zero F0” như trước. Có thì xử trí, ngăn chặn, phòng ngừa lây lan”, ông Phu cho biết.

Trong chuyến đi kiểm tra việc học sinh trở lại trường tại Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ quan điểm: Những nơi có điều kiện thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch tốt thì cần nghiên cứu lộ trình tổ chức bán trú một cách thận trọng; lấy sức khỏe, sự an toàn của học sinh là ưu tiên số 1.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, đã lắng nghe kiến nghị của phụ huynh từ báo cáo của các trường và phòng GD&ĐT cấp quận, huyện. Sở sẽ nghiên cứu tình hình để có đề xuất cụ thể với UBND về việc cho phép các trường đảm bảo điều kiện tổ chức bán trú và dạy học 2 buổi/ngày. Việc cho phép bán trú cũng có thể mở dần theo lộ trình, trong đó đặt ưu tiên với các nhóm đối tượng học sinh khác nhau, tổ chức chéo giữa các lớp để đảm bảo giãn cách…

K THANH

Đang làm bài thi