Thầy trò vùng cao sáng chế máy “biến” tỏi trắng thành tỏi đen giá trị

Thiết bị “biến” tỏi trắng thành tỏi đen của thầy trò vùng cao tỉnh Quảng Bình có chi phí sản xuất thấp nhưng tính thực tiễn cao, góp phần giúp người dân trồng tỏi nâng cao giá trị sản phẩm.

Xuất phát từ địa phương miền núi còn nhiều những khó khăn vất vả, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, thế nhưng với sự nỗ lực, tích cực tìm tòi học hỏi, nhiều giáo viên và học sinh tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã nghiên cứu tạo ra nhiều thiết bị hữu ích, có thể áp dụng vào thực tiễn.

Nhiều sáng chế được thầy và trò ở các trường học miền núi của tỉnh Quảng Bình nghiên cứu, chế tạo cũng đã đạt giải cao, có tính thực tiễn. Trong số các sáng chế hữu ích đó phải kể đến thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình của Trường THCS Tân Hóa, huyện Minh Hóa.

Thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời (Ảnh: Tiến Thành).

Thiết bị này do thầy giáo Cao Hùng Thọ và 2 học sinh là Trương Tân Hóa và Đinh Chí Thanh nghiên cứu, sáng chế và từng đạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba cấp Quốc gia. Thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời hiện đang tiếp tục được thầy giáo Cao Hùng Thọ và 2 học sinh thử nghiệm, hoàn thiện để tối ưu công năng.

Nói về thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời, thầy giáo Cao Hùng Thọ cho biết, thiết bị này gồm một hình hộp chữ nhật có chiều dài khoảng 1m, cao khoảng 0,7m, rộng khoảng 0,5m, bên trên có một lớp kính trong suốt, bên dưới lớp kính là tấm tôn phẳng sơn màu đen.

Sáng chế thiết bị lên men tỏi đen của thầy giáo Thọ và học trò từng đạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba cấp Quốc gia 

Mặt phía trong hộp được làm bằng xốp cách nhiệt, có thêm chậu nước ở dưới để tạo ẩm. Bên trong hộp còn được treo các bóng đèn để tạo nhiệt độ khi tỏi lên men. Mặt trước thiết bị có gắn aptomat để đóng điện, một bộ điều khiển nhiệt độ và độ ẩm, một mô đun cảm biến nhiệt độ 12V và bình ắc quy. Chi phí để tạo ra sản phẩm này chỉ khoảng 600 ngàn đồng.

Với thiết bị này, người sử dụng sẽ xếp tỏi trắng vào hộp thật đều, không nén quá chặt, rồi đưa hộp ra dưới ánh nắng để đến khi nhiệt độ trong hộp đạt 65-70 độ C là mức nhiệt độ cần thiết để tỏi lên men đều, hiệu quả nhất. Nhiệt độ và độ ẩm này được duy trì thường xuyên trong khoảng 35-50 ngày, khi đó tỏi trắng sẽ biến thành tỏi đen.

Từ những thiết kế còn thô sơ, cồng kềnh ban đầu, 3 thầy trò đã đơn giản hóa nhiều thiết bị để giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả trong quá trình lên men tỏi để nâng cao chất lượng. Đây là một thiết bị sáng chế mà thầy Thọ dành nhiều tâm huyết trong những năm qua.

“Với tỏi trắng khi chuyển qua màu đen sẽ có vị chua ngọt, mùi thơm, giá trị về dinh dưỡng cũng như kinh tế của củ tỏi tăng gấp nhiều lần. Đây là một thiết bị mà thầy trò chúng tôi rất tâm huyết. Việc áp dụng vào thực tế cũng đã mang lại kết quả ngoài mong đợi. Hy vọng thiết bị này sẽ sớm được ứng dụng đại trà vào đời sống, đặc biệt là tại các địa phương nổi tiếng về nghề trồng tỏi”, thầy Thọ chia sẻ.

Tỏi sau khi được lên men

Theo em Đinh Thí Thanh – một trong 2 nam sinh đồng hành cùng thầy giáo Cao Hùng Thọ để chế tạo máy biến tỏi trắng thành đen, bản thân em rất vui và tự hào khi đã có cho mình một sáng chế được đánh giá cao. Thanh chia sẻ rằng, em cùng bạn học và thầy giáo sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa sản phẩm của mình để có thể đáp ứng mọi nhu cầu của thực tiễn.

“Thiết bị này được bọn em và thầy giáo lên ý tưởng, nghiên cứu khi đang còn là học sinh THCS, đến nay mặc dù đã lên cấp 3, tuy nhiên đây là một thiết bị mà thầy trò chúng em rất tâm huyết nên không ngừng cải tiến. Em và thầy giáo cũng thường xuyên ngồi lại để làm sao tạo được thiết bị đẹp cả về hình thức cũng như công năng sử dụng đạt hiệu quả”, em Thanh cho hay.

Một sản phẩm khác là thiết bị chưng cất nhằm loại bỏ độc tố andehit và methanol ra khỏi rượu cũng được thầy giáo Cao Hùng Thọ nghiên cứu, chế tạo

Bên cạnh thiết bị lên men tỏi đen bằng năng lượng mặt trời, thầy giáo Cao Hùng Thọ còn là chủ nhân của nhiều sáng chế hữu ích khác như sản phẩm sấy mật ong bằng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình hay thiết bị chưng cất nhằm loại bỏ độc tố andehit và methanol ra khỏi rượu.

Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Tuấn Anh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Hóa cho hay, từ thực tiễn ở địa phương, vừa qua nhiều giáo viên và học trò các trường học trên địa bàn đã tích cực nghiên cứu và sáng chế ra các thiết bị hữu ích và có tính áp dụng thực tiễn cao, đây là nỗ lực rất đáng khen. Những thiết bị này vừa giúp ích cho người dân địa phương rất nhiều trong cuộc sống vừa thân thiện và bảo vệ môi trường.

Đang làm bài thi