Sinh viên chế robot có thể leo dốc và tải trọng lớn cho khu cách ly

Robot có ưu điểm thời gian pin dài, và đặc biệt có thể di chuyển lên dốc với độ cao tối đa 30 độ và trọng tải lên tới 90kg.

Dự án “Robot điều khiển từ xa cho khu cách ly” của một nhóm sinh viên mới đây đã được trao giải Nhất trong cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2021”.

Chủ nhân của sản phẩm là Phan Thị Mai, Nguyễn Văn Thuần và Nguyễn Đắc Quy (đều là sinh viên khoa Điện – Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng). Cả 3 cùng trăn trở khi số ca nhiễm Covid-19 tại địa phương liên tục tăng và trong quá trình thực hiện dự án, 1 thành viên của đội đã phải đi cách ly vì là F0. Điều đó thôi thúc nhóm tạo ra sản phẩm giúp giảm thiểu tiếp xúc giữa nhân viên y tế và người bệnh, đồng thời tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Robot có nhiệm vụ mang thức ăn, đồ dùng cá nhân, thuốc men và các dụng cụ khác đến tận giường người bệnh. Theo nhóm nghiên cứu, robot có chức năng điều khiển (điều khiển bằng tay hoặc điều khiển qua ứng dụng trên điện thoại di động), giám sát từ xa thông qua WiFi, hỗ trợ camera và loa để theo dõi hình ảnh và phát thanh từ xa giúp bác sỹ giao tiếp với bệnh nhân. Robot còn có các cảm biến phát hiện vật cản ở xung quanh để tránh va chạm và thời gian hoạt động dài (tối thiểu khoảng 12h liên tục sau mỗi lần sạc đầy ắc-quy).

“Robot có thể hoạt động cả ngày chỉ với 1 lần sạc qua đêm” – Mai nói.

Ngoài ra, robot có thể di chuyển lên dốc với độ cao tối đa 30 độ và trọng tải lên tới 90kg – điều mà nhóm nghiên cứu nhận thấy các robot trên thị trường ít làm được.

Bản vẽ robot cho khu cách ly vừa giành giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học TP. Đà Nẵng

Phan Thị Mai – trưởng nhóm cho biết, mình và đồng đội đã mất gần 8 tháng để cho ra sản phẩm. Do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên việc mua linh kiện và các nguyên liệu tương đối khó khăn. Khi các cửa hiệu đóng cửa, cả nhóm phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí có linh kiện phải đặt và nhập từ nước ngoài nên chi phí không hề rẻ. Trong khi đó, kinh phí của toàn bộ dự án là do các thành viên tự trang trải.

“Khó khăn lớn nhất là mua inox làm khung cho robot. Các cửa hàng đều dừng hoạt động nên chúng em phải đi góp nhặt từng tí một, rồi gò, hàn lại với nhau” – Mai chia sẻ.

Cũng do yêu cầu giãn cách, phòng thí nghiệm của trường đóng cửa, nên cả nhóm đã phải ăn ngủ tại 1 kho xưởng nhỏ của thầy giáo hướng dẫn. Với say mê và quyết tâm, các thành viên đã có nhiều đêm không ngủ, ăn nghỉ ngay tại kho xưởng.

Dù vậy, nhóm đã thất bại rất nhiều lần. Mai nhớ lại: “Cháy bảng mạch là điều thường xuyên xảy ra. Khi đó chúng em phải đi mua lại linh kiện và làm lại”.

Một điều ngoài ý muốn khác là trong quá trình thực hiện dự án, một thành viên của nhóm đã ngã bệnh và rời khỏi nhóm. Còn Nguyễn Văn Thuần, thành viên chịu trách nhiệm khâu kĩ thuật và lập trình phải đi cách ly vì mắc Covid-19. Trong thời gian cách ly, Thuần tiếp tục làm online cùng 2 thành viên còn lại.

Mai cho biết, đó là thời điểm vô cùng khó khăn. Nhưng cũng chính vì thế, nhóm lại càng có động lực để hiện thực hóa ý tưởng.

Sau 8 tháng miệt mài nghiên cứu và chế tạo, sản phẩm của nhóm đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Hòa Vang (Đà Nẵng) và nhận được phản hồi tích cực từ các bác sỹ.

Trong tương lai gần, nhóm cho biết sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm theo hướng tự động hóa hoàn toàn. Sản phẩm được điều khiển thông qua camera ứng dụng AI và các cảm biến để tái tạo bản đồ nhằm tránh vật cản và di chuyển thông minh hơn. Ngoài ra, nhóm sẽ nghiên cứu thêm phần khử khuẩn tự động cho robot và đưa vào sử dụng trong các khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm nguy cơ cao nói chung, khu vực cách ly bệnh nhân Covid-19 nói riêng.

Đang làm bài thi