“Thay đổi giáo dục cần trao thêm nhiều quyền chủ động cho học sinh”

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Qúy Tiến – Giám đốc vận hành Công ty TNHH Giáo dục Edmicro khi được hỏi về chủ đề đang gây tranh luận thời gian qua – có hay không nên bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ – Hậu học văn” để thúc đẩy học sinh phản biện, sáng tạo.

“Tiên học lễ – Hậu học văn” đã được sử dụng từ lâu trong môi trường giáo dục ở nước ta. Theo anh, chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng về khẩu hiệu này?

Cuộc tranh luận về chủ đề này xuất phát từ đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm. Nếu đọc kĩ các bài phỏng vấn của GS Thêm, chúng ta thấy ý kiến bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ – Hậu học văn” thực ra chỉ là phần ngọn của vấn đề – cái gốc mà GS Thêm muốn thay đổi là nền giáo dục mà theo miêu tả của giáo sư là “âm tính”, “thụ động”. Tôi nghĩ nếu phân tích đến tận gốc rễ như vậy, sẽ có rất ít người phản đối.

Bỏ hay giữ khẩu hiệu “Tiên học lễ – Hậu học văn” gây ra nhiều tranh cãi thời gian qua. Nguồn: Internet.

Thực tế là trong khoảng chục năm gần đây, chúng ta đã có được sự đồng thuận rộng rãi trong ngành giáo dục cũng như cộng đồng xã hội để trao thêm nhiều quyền chủ động cho học sinh, thúc đẩy tư duy phản biện và năng lực sáng tạo của học sinh. Trong đó rõ nhất là việc chương trình giáo dục phổ thông mới đã được xây dựng trên định hướng phát triển năng lực thay vì nặng về kiến thức như truyền thống.

Vậy thì thay vì tranh luận loại bỏ hay giữ lại khẩu hiệu “Tiên học lễ – Hậu học văn”, theo anh để khai mở tư duy phản biện, năng lực sáng tạo của học sinh, chúng ta có thể làm gì?

Như vừa nhắc tới ở trên, sự thay đổi lớn nhất mà ngành giáo dục đã và đang triển khai là chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng với triết lí phát triển năng lực – trong đó có hai năng lực được đặc biệt chú trọng là “Tự chủ và tự học” và “Giải quyết vấn đề một cách sáng tạo”.

Tuy nhiên chỉ đổi mới chương trình và nội dung giảng dạy là chưa đủ. Ví dụ với khẩu hiệu “Tiên học lễ, Hậu học văn”, chưa bàn đến lễ là gì, văn là gì, bản thân câu khẩu hiệu này đã là một sự cứng nhắc: phải học “lễ” trước rồi mới học “văn”. Tại sao cứ nhất nhất phải học “lễ” trước? Có nhất định học cái gì trước thì cái đó quan trọng hơn?

Môi trường giáo dục trong nước bị nhiều chuyên gia đánh giá chưa kích thích sự chủ động, sáng tạo cho học sinh. Nguồn: Internet.

Logic đó phản ánh trong quá khứ việc học và truyền tải kiến thức là độc quyền của người thầy – thầy dạy gì thì trò biết cái đó. Thực tế hiện nay đã khác rất nhiều, việc học không chỉ diễn ra trong lớp học, cũng không chỉ một chiều thầy đọc trò chép.

Tại sao chúng ta không tiếp cận như phát biểu của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.” Thay vì ràng buộc một cách khiên cưỡng học gì trước, gì sau chúng ta nên giải thích để cho trẻ hiểu tầm quan trọng của mỗi lĩnh vực rồi dành quyền chủ động cho học sinh.

Thảo luận nhóm là một trong những cách hiệu quả giúp học sinh sáng tạo, tăng tính chủ động trong học tập. Nguồn: Internet.

Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, tiếp xúc thầy trò lại càng hạn chế, thầy cô giáo đâu thể theo dõi sát sao từng li từng tí của học trò. Trao nhiều niềm tin vào các con hơn, để các con làm chủ việc học của mình – đó là điều tôi tin mọi bậc phụ huynh cũng như thầy cô và nhà trường đều mong muốn.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ trong việc dạy và học không chỉ giúp giải bài toán dạy học trực tuyến, mà còn giúp tiết kiệm rất lớn thời gian, công sức cho cả nhà trường, thầy cô và học sinh (các việc hành chính, giấy tờ, việc ngoài chuyên môn…). Từ đó giúp các thầy cô có thêm thời gian tổ chức các buổi thảo luận, thúc đẩy học sinh phát các kỹ năng cần thiết…, thay vì chỉ tập trung vào truyền tải kiến thức như trước.

Lý thuyết là như vậy, nhưng khi triển khai ứng dụng công nghệ vào dạy và học, nhiều thầy cô và phụ huynh vẫn lo ngại học sinh sẽ chểnh mảng, ham chơi hơn ham học. Theo anh liệu chúng ta có thể xử lí vấn đề này bằng cách nào?

Là một doanh nghiệp công nghệ, Edmicro luôn trăn trở làm thế nào để ứng dụng công nghệ vào giáo dục một cách hiệu quả nhất, theo hướng đáp ứng nhu cầu thật của người dùng. Nếu nhìn theo hướng này, đầu tiên, chúng ta cần xây dựng được một phần mềm học tập thông minh và cuốn hút như Youtube, như Netflix. Phần mềm đó vừa phải có một kho nội dung học tập phong phú, hấp dẫn như Squid game cho học sinh lựa chọn. Phần mềm cũng cần phải rất thông minh, hiểu được học sinh đang học gì, cần kiến thức gì để gợi ý, giúp học sinh dễ dàng tìm kiếm.

Dịch bệnh khiến cho việc học online (trực tuyến) trở thành yêu cầu bắt buộc với nhiều học sinh. Nguồn: Internet.

Thứ hai, những dữ liệu học tập sinh ra từ hệ thống cần được tập hợp và chuyển lại cho thầy cô giáo và phụ huynh. Dựa trên những dữ liệu ấy, thầy cô và phụ huynh sẽ nắm bắt được thông tin của từng học sinh, qua đó tự tin giao quyền tự chủ hơn cho các em. Em nào còn chậm, còn chưa chăm chỉ cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Những em nào nhanh hơn có thể học rộng thêm, nâng cao lên mà không nhất thiết phải đi cùng một tốc độ, học cùng một nội dung với tất cả các bạn khác.

Cuối cùng là tổng thể những thông tin này được tập hợp lại thành một cơ sở dữ liệu dạy và học giúp cơ quản quản lí từ nhà trường lên đến các Sở Giáo dục Đào tạo lên đến tận cấp Bộ Giáo dục Đào tạo nắm được trạng thái của cả hệ thống theo thời gian thực. Từ đó có thể xây dựng kế hoạch học tập bám sát nhu cầu thay vì quyết định học gì trước một cách duy ý chí.

Anh Nguyễn Quý Tiến – Giám đốc vận hành Công ty TNHH Giáo dục Edmicro.

Tổng thể các biện pháp này chính là xu thể chuyển đổi số trong giáo dục, chính là cách để cá nhân hóa việc học của từng em học sinh, giúp mỗi em phát huy được khả năng tự chủ, tự học của mình ở mức cao nhất.

Hiện Edmicro đang phát triển phần mềm Ôn luyện được sử dụng tại nhiều trường THCS, THPT tại Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Hà Nội… Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ sớm là công cụ hiệu quả để giải quyết nút thắt trong việc tự học và đánh giá năng lực của học sinh. Đó không chỉ là việc đem đến một môi trường tổng thể giúp mọi học sinh dễ dàng cá nhân hóa việc học tập ở tất cả các môn học, mà còn giúp các thầy cô giáo có thể sử dụng các chương trình và ngân hàng nội dung đã được thẩm định để chuẩn hóa các hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá.

Trí Đức

Đang làm bài thi